Luật sư chiếm đoạt tiền của thân chủ: Hồi kết nào?

Luật sư chiếm đoạt tiền của thân chủ: Hồi kết nào?

Bị cáo buộc chiếm đoạt tiền của thân chủ?

Theo diễn tiến vụ việc, tháng 11/2019, TAND tỉnh Bến Tre tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Kiển 12 năm tù và buộc bị cáo phải hoàn trả cho bị hại 950 triệu đồng đã chiếm đoạt, với cáo buộc về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trước đó, tại phiên sơ thẩm lần một, TAND tỉnh Bến Tre cũng đã tuyên phạt Kiển 12 năm tù. Bản án này sau đó bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy.

Theo nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX), sau khi nhận ủy quyền của thân chủ là bà Trương Thị Thu Thủy, bị cáo Kiển đại diện bà Thủy thỏa thuận chia thừa kế với ông Trần Quang Thuần (đại diện cho các đồng thừa kế khác). Vào ngày 29/12/2014, Kiển đã nhận được tiền thừa kế của bà Thủy vào tài khoản cá nhân của Kiển. Vào thời thời điểm này, hợp đồng đã chấm dứt vì đã thỏa thuận xong. 

Nghĩa vụ của Kiển là phải giao trả tiền thừa kế lại cho bà Thủy như đã cam kết, phần còn lại là thù lao của Kiển. Tuy nhiên, sau khi tiền vào tài khoản cá nhân, bị cáo Kiển đã rút toàn bộ số tiền trên và không trả cho bà Thủy, cũng không thông báo cho thân chủ biết là đã thỏa thuận chia được tiền thừa kế.

Đồng thời, bị cáo Kiển lập ra nhiều văn bản thỏa thuận khác, các văn bản này không phải là phụ lục, hợp đồng con của hợp đồng bị cáo Kiển được thân chủ là bà Thủy ủy quyền để chia thừa kế cho nên đó là thủ đoạn gian dối của bị cáo Kiển để chiếm đoạt tài sản của bà Thủy… Từ đó, HĐXX cho rằng có đủ căn cứ xác định bị cáo Kiển đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Tuy nhiên, trong suốt phiên tòa bị cáo Kiển không thừa nhận việc chiếm đoạt tài sản của thân chủ, đồng thời cho rằng việc chuyển 1,394 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của bị cáo chỉ là thỏa thuận tạm thời giữa Kiển và ông Thuần. 

Theo bị cáo Kiển, vào ngày 29/12/2014, bị cáo và ông Thuần có ký tờ giấy viết tay sẽ giao tiền thừa kế cho bà Thủy với ba điều kiện: Bà Thủy phải giao toàn quyền cho Kiển khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm bản án; hai là bà Thủy phải giao toàn bộ tài sản trong vụ tranh chấp cho ông Thuần và Kiển nếu khiếu nại giám đốc thẩm thắng kiện; ba là bà Thủy phải lập di chúc giao toàn quyền sử dụng, sở hữu các tài sản trong vụ tranh chấp cho Kiển và ông Thuần… Đồng thời, bị cáo Kiển cho rằng do bà Thủy không đáp ứng các điều kiện trên nên chưa giao tiền cho thân chủ, chứ không chiếm đoạt.

Phía ông Thuần thì cho rằng giữa ông và ông Kiển sau khi thỏa thuận xong chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của ông Kiển thì việc thương lượng chia tiền thừa kế đã kết thúc, ông không còn liên quan gì và cũng không đặt ra bất kỳ yêu cầu nào với bà Thủy. Liên quan việc ký giấy thỏa thuận vào ngày 29/12/2014 với ông Kiển thì ông Thuần cho rằng làm theo yêu cầu của ông Kiển, nội dung là do ông Kiển đặt ra.

Tòa cấp cao tuyên hủy án nhưng sơ thẩm vẫn y án?

Tham gia bào chữa và đồng hành với bị cáo Kiển tại phiên xét xử phúc thẩm lần này có luật sư Đỗ Thị Hoàng Yến, LS Phạm Công Hùng, LS Vũ Phi Long, LS Đàm Thụy Thùy Giang. Phía các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiển có niềm tin rằng còn nhiều uẩn khúc trong vụ án, đồng thời cho rằng bị cáo Kiển không phạm tội như bản án sơ thẩm

"Phiên phúc thẩm lần trước Viện KSND cấp cao tại TPHCM đã rất khách quan, chỉ ra những vấn đề cần làm rõ thêm và cho rằng với chứng cứ hiện có không đủ để buộc tội, tuyên huỷ án điều tra lại. Nhưng khi trả về sơ thẩm thì những vấn đề ấy không được làm rõ và tiếp tục đưa ra xử, và lại tuyên 12 năm tù. Trong hồ sơ vụ án hiện còn nhiều điểm mâu thuẫn trong lời khai của bị hại, người làm chứng. Các chứng cứ do luật sư cung cấp thì không được xem xét đầy đủ" - luật sư Đàm Thụy Thùy Giang nhận định.

Một điểm đáng lưu ý, tháng 11/2018, TAND cấp cao tại TPHCM đã từng ra quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong đó có nội dung trước đây bị cáo Kiển có yêu cầu tiếp cận hồ sơ để thực hiện quyền tự bào chữa nhưng không được chấp nhận..., đồng thời cần làm rõ một số vấn đề liên quan hành vi của bị cáo.

Phía bị cáo Kiển liên tục kêu oan. Các luật sư của bị cáo đề nghị tuyên bị cáo không phạm tội vì bị cáo không có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các luật sư đề nghị HĐXX nếu không tuyên bị cáo vô tội thì tuyên hủy án, trả hồ sơ để điều tra bổ sung...

Ngoài ra, phía đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM cũng đề nghị HĐXX hủy án để điều tra lại vì những lý do như bị cáo Kiển không bỏ trốn, tài sản là 1,4 tỷ đồng vẫn còn, Kiển không sử dụng vào mục đích phạm pháp. Bị cáo cũng không mất khả năng chi trả. Hợp đồng dân sự giữa các bên vẫn đang thực hiện. Đồng thời, đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM cũng đặt vấn đề tại sao bị cáo Kiển gửi bốn thư mời mà bị hại không đến lại gửi đơn tố cáo.

Theo luật sư Đỗ Thị Hoàng Yến, trong quá trình lấy lời khai và tại phiên tòa, bị cáo Kiển khai là có thông báo cho bà Thủy về việc đã nhận tiền và các điều kiện nhận tiền do ông Thuần đặt ra, còn bà Thủy thì phủ nhận. Việc bị cáo Kiển thông báo mặc dù không được lập thành văn bản, tuy nhiên, trong quá trình lấy lời khai của bị cáo và của người bị hại, người làm chứng cũng như tại phiên tòa chứng minh bị cáo Kiển có thông báo cho bà Thủy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ