Hà Nội: Ngăn chặn, triệt phá ma túy xâm nhập học đường

GD&TĐ - 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã phát hiện, khám phá 2.161 vụ, 3.118 đối tượng liên quan đến ma túy… Lực lượng chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn ma túy len lỏi vào học đường.

Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tuyên truyền phòng chống ma túy cho HS. Ảnh chụp trước 27/4.
Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tuyên truyền phòng chống ma túy cho HS. Ảnh chụp trước 27/4.

Thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh

Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy (PC04) Công an TP Hà Nội cho biết, tình hình hoạt động tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp.

Trên các tuyến trọng điểm về ma túy như: Tây Bắc, miền Trung - phía Nam hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam qua Hà Nội và đi các tỉnh khác tiêu thụ vẫn diễn biến phức tạp.

Các đối tượng câu kết, hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn, liên tỉnh, với tính chất nguy hiểm. Chúng trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Cũng theo Phòng PC04, gần đây xuất hiện thủ đoạn cất giấu ma túy tinh vi mới. Cụ thể, ma túy được bọc kỹ bằng túi nilon và đựng trong các ống nhựa tối màu được hàn kỹ ở hai đầu để chống thấm nước. Sau đó, các đối tượng ngụy trang cất giấu các ống nhựa chứa ma túy trong các can đựng mắm tôm và được gửi qua xe khách từ Nghệ An ra Hà Nội.

“Để hòng qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường giao dịch thông qua mạng xã hội và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng mà không trực tiếp gặp mặt giao dịch. Ngoài ra, địa điểm nhận hàng được chọn tại khu vực giáp ranh, địa bàn công cộng vắng người qua lại.

Khi ma túy được chuyển về địa điểm nhận hàng, đối tượng chính cũng không trực tiếp ra nhận mà thuê xe ôm đến nhận hàng và đưa về nhà của đối tượng để hạn chế sự giám sát, phát hiện của lực lượng chức năng…”, Phòng PC04 làm rõ một số thủ đoạn tội phạm.

Các đối tượng hoạt động mua bán trái phép chất ma túy nhỏ lẻ, dạng Boong-ke tại nhà với nhiều thủ đoạn tinh vi như: Lợi dụng bệnh hiểm nghèo, nuôi con nhỏ, các địa bàn ngõ ngách nhỏ hẹp để hoạt động… Đối tượng khi giao bán ma túy cho khách nghiện đều hướng dẫn các đối tượng vứt ma túy, ngậm ma túy sẵn sàng nuốt khi bị phát hiện không khai nhận khi bị bắt.

Đáng lưu ý các đối tượng hình thành các băng ổ nhóm hoạt động có tổ chức. Trong đó, xuất hiện tình trạng đối tượng lợi dụng việc đang điều trị tại bệnh viện tâm thần để cấu kết giấu ma túy và hoạt động mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Tội phạm ma túy cũng lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện nhạy cảm về ANTT để hoạt động. Số cơ sở karaoke khu vực ngoại thành, khu dân cư giáp ranh, số cơ sở này thường hoạt động không phép, đóng cửa tắt đèn bên ngoài, xung quanh lắp camera, luôn có đối tượng ngồi cảnh giới.

Xuất hiện tình trạng các đối tượng là nhân viên của các cơ sở kinh doanh dịch vụ quy mô nhỏ như bar, club, pub, lounge... trực tiếp bán ma túy cho khách sử dụng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị lực lượng trong Công an thành phố Hà Nội phát hiện, khám phá 2.161 vụ, 3.118 đối tượng về ma túy. Trong đó, xử lý hình sự 1.954 vụ 2.351 bị can, xử lý hành chính 207 vụ 767 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2020 bắt giảm 33 vụ (2.161/2.194) giảm 4 đối tượng, xử lý hình sự giảm 64 vụ (1.954/2.018), giảm 55 đối tượng.

Hành vi vi phạm, mua bán trái phép chất ma túy là 855 vụ 1.039 đối tượng; Vận chuyển trái phép chất ma túy 21 vụ, 29 đối tượng; Tàng trữ trái phép chất ma túy 1.257 vụ, 1.556 đối tượng... Vật chứng thu giữ tổng số 202,711 kg ma túy các loại.

Riêng phòng PC04 phát hiện bắt giữ tổng số 54 vụ, 161 đối tượng. Trong đó, xử lý hình sự 54 vụ, 99 đối tượng; xử phạt hành chính 62 đối tượng. Vật chứng thu giữ tổng số 92,941 kg ma túy các loại, 28 cân điện tử, 3 khẩu súng cùng 11 đối tượng truy nã.

Một số ma túy Công an TP Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ.
Một số ma túy Công an TP Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ.

Ngăn chặn ma túy học đường

Những năm gần đây, ma túy và các chất gây nghiện xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, len lỏi vào học đường. Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy (Bộ Công an) cho biết, tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ HSSV ở độ tuổi dễ bị lôi kéo, nên tìm đủ mọi cách đưa ma túy vào học đường. Các đối tượng thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính HSSV.

Đặc biệt, gần đây còn có tình trạng mua, bán ma túy qua mạng xã hội hoặc theo hình thức bán đa cấp, lợi dụng chính HSSV nghiện ma túy là người bán hàng. Hình thức này rất nguy hiểm, vì có thể phát tán nhanh, khiến nhiều người trẻ trở thành nạn nhân.

Mới đây, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên đường Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội), lực lượng Cảnh sát cơ động đã phát hiện hai nữ sinh tàng trữ trái phép chất nghi là cần sa.

Để bảo vệ thế hệ tương lai trước hiểm họa ma túy, những năm qua, Công an thành phố Hà Nội luôn sát cánh cùng các nhà trường, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm về sử dụng trái phép các chất ma túy trong khu vực xung quanh trường học, quán bar, karaoke, vũ trường, tạo thành “pháo đài” ngăn chặn ma túy vào học đường.

Cùng với công tác tuyên truyền, ngành Giáo dục Thủ đô đang nghiên cứu để xây dựng dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” theo hình thức xã hội hóa.

Dưới góc độ quản lý về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Phùng Quang Thức cho rằng, với thế hệ trẻ, tình cảm gia đình, môi trường xã hội lành mạnh chính là “lưới” bảo vệ họ trước hiểm họa ma túy.

Vì vậy, ngoài những hoạt động thường xuyên, trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021, các ngành, địa phương thành phố Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động, nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy theo hình thức trực tuyến và qua các phương tiện truyền thông.

Nội dung tuyên truyền linh hoạt, phong phú, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, lứa tuổi của từng đối tượng, ưu tiên tuyên truyền đến nhóm học sinh, sinh viên thuộc diện có nguy cơ cao, giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức, chủ động tránh xa ma túy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.