Đề nghị truy tố “trùm lừa đảo” Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm

GD&TĐ - Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm bị cơ quan chức năng đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Đề nghị truy tố “trùm lừa đảo” Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm

Ngày 15/11, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Công an TP. Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Cụ thể, 2 bị can Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba - em ruột Luyện) và 18 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh - em ruột của Luyện) bị đề nghị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Riêng bị can Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị đề nghị truy tố tội Rửa tiền.

Theo cơ quan chức năng, Công ty Alibaba đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Ngày 3/12/2016, Công ty Alibaba đăng ký thay đổi lần thứ 1 tăng vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Chưa tròn 1 năm sau, ngày 26/9/2017, Công ty Alibaba tiếp tục đăng ký thay đổi lần thứ 3 với vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng.

Công ty Alibaba có 3 cổ đông gồm Nguyễn Thái Lĩnh (chức vụ Tổng giám đốc - là đại diện pháp luật) góp 10% vốn điều lệ; Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT) góp 80% vốn điều lệ; bà Võ Thị Thanh Mai (vợ của Nguyễn Thái Luyện) góp 10% vốn điều lệ.

Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Luyện đã chỉ đạo một số người thân trong gia đình và cá nhân thuộc Công ty Alibaba đứng tên thành lập thêm 22 pháp nhân khác nhau, cùng chung đặc điểm là đều có cổ phần hoặc vốn góp của Công ty Alibaba và cá nhân người thân hoặc nhân viên.

Cụ thể, Công ty Alibaba đã sử dụng 10 pháp nhân thực hiện hành vi lừa đảo trong hoạt động kinh doanh bất động sản với vai trò chủ đầu tư; che giấu phương thức, thủ đoạn phạm tội và tẩu tán tài sản, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Sau đó, Luyện tiếp tục chỉ đạo các pháp nhân này đứng tên nhiều dự án không có thật, với mục đích khi có dự án bị chính quyền địa phương cưỡng chế, sẽ không gây ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án khác.

Ngày 18/9/2019, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thái Luyện. Khám xét trụ sở Công ty Alibaba, thu giữ 9,2 tỷ đồng, phong tỏa 45,5 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng; kê biên tổng cộng 650 thửa đất với tổng diện tích hơn 447 ha. Ngoài ra, qua định giá xác định giá trị gần 1.478,8 tỷ đồng và nhiều ô tô, tài sản khác để bảo đảm thi hành án, khắc phục hậu quả.

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thái Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân được thành lập, đứng tên chủ đầu tư của 58 dự án không có thật, thông qua Công ty Alibaba, ký kết một lượng lớn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chiếm đoạt số tiền 2.435 tỷ đồng của 5.671 bị hại (con số này nhiều hơn 1.600 bị hại so với kết luận điều tra bổ sung trước đó).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ