Bộ Công an khuyến cáo về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản

GD&TĐ - Bộ Công an đã lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có chiều hướng diễn biến phức tạp thời gian gần đây.

Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an.
Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp

Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh - trật tự, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an) ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống như: Giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án, vay vốn tổ chức, cá nhân nước ngoài; kêu gọi đầu tư, tài trợ vào các công ty, dự án, chương trình; làm giả cổ vật, đá quý, kim loại, làm, sử dụng các loại giấy tờ, tài liệu giả liên quan đến quyền sở hữu tài sản để cầm cố, thế chấp, mua bán nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân.

Nhiều vụ việc có số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước với các thủ đoạn điển hình như: Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt... vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt; Giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án, vụ việc đang giải quyết, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại, từ đó đăng nhập vào tài khoản của bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt. 

Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho hay, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ đoạn phức tạp. Đặc biệt hơn là loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an đã chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, Bộ Công an với chức năng nhiệm được giao là Cơ quan thường trực thực hiện Chỉ thị đã ban hành nhiều Kế hoạch để chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, Công an các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lãnh đạo Bộ Công an giao Cục Cảnh sát Hình sự là đơn vị chủ công, nòng cốt, tham mưu tổ chức triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân trong các phong trào bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, đường dây có liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chú trọng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, triệt để trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhằm răn đe, kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này.

Theo Bộ Công an, năm 2021, riêng lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ, xử lý 1.691 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (đạt tỷ lệ 74,46%), xử lý 2.089 đối tượng. Điển hình như vụ việc Cục Cảnh sát Hình sự phá Chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh cán bộ ngân hàng, hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội và một số địa phương do Lê Tú Quang (SN 1993) cầm đầu; Công an Hà Tĩnh đấu tranh Chuyên án triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng hình thức tuyến cộng tác viên bán hàng online; bắt giữ, triệu tập 83 đổi tượng, khởi tổ 41 bị can...

Riêng trong quý I năm 2022, lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ, xử lý 372 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (đạt tỷ lệ 79,15%), xử lý 491 đối tượng.

Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an.
Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an.

Tích cực phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Người phát ngôn Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng. Nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”. 

Riêng về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định. 

Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội.

Thường xuyên thay đổi để đảm bảo tính an toàn của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.