Mới đây hình ảnh những chiếc xe bọc thép chở quân "cổ điển" MT-LB bắn bệ pháo hải quân 2M-3 cỡ 25 mm có tuổi đời cao chẳng kém đã gây ngạc nhiên cho nhiều chuyên gia quân sự thế giới.
Theo giải thích của Nga, phương tiện chiến đấu mới vừa đảm nhiệm chức năng phòng không chống mục tiêu bay thấp, lại vừa tiêu diệt được bộ binh và thiết giáp nhẹ của đối phương.
Mặc dù vậy, đa phần ý kiến đều cho rằng Moskva đang "thô sơ hóa" quân đội của mình, bởi cách làm của họ giống như phương pháp phiến quân tại Syria vẫn thực hiện.
Với vị thế của một cường quốc quân sự, lẽ ra Nga nên tung vào chiến trường một phương tiện hiện đại vốn được họ quảng cáo từ lâu, đó là pháo phòng không tự hành đa năng 2S38 Derivatsiya.
Pháo phòng không tự hành đa năng 2S38 Derivatsiya của Nga. |
Theo giới thiệu, 2S38 Derivatsiya sử dụng khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và lắp pháo 57 mm có tốc độ bắn 120 viên/phút, tầm xa 6 km và trần bay 4,5 km.
Tổ hợp này sẽ bảo vệ các đơn vị bộ binh cơ giới tiền tuyến và đổ bộ đường không. Nhiều chuyên gia quân sự mong đợi nó này sẽ thay thế cho ZSU-23-4 Shilka "đáng kính".
Pháo phòng không tự hành 2S38 rõ ràng không thể "vươn tay" để tấn công chiến đấu cơ hay máy bay ném bom chiến lược. Tuy nhiên nó gây ra một mối đe dọa chết người đối với trực thăng chiến đấu và UAV.
Tổ hợp 2S38 Derivatsiya sử dụng bệ pháo AZP-57 được phát triển từ những năm 1940, nhưng nhờ loại đạn thông minh mới được phát triển, chúng sẽ khiến hệ thống phòng không này nguy hiểm hơn nữa.
Hệ thống điều khiển của Derivatsiya sẽ tính toán hướng bay của quả đạn này, cũng như xác định nơi phát nổ của nó nhờ vào việc một bộ đếm thời gian dạng ngòi điện tử sẽ được lắp đặt cho mỗi quả đạn.
Ngoài ra một loại đạn thông minh sắp ra đời, có thể cơ động với sự trợ giúp của "cánh gấp" giống như tên lửa, được hỗ trợ bằng hệ thống chỉ định mục tiêu thông qua tia laser tích hợp trên tháp pháo của pháo tự hành.
Ngoài chức năng phòng không, tổ hợp 2S38 Derivatsiya còn có thể chống lại xe thiết giáp hạng nhẹ và mục tiêu mặt đất như tốp bộ binh đối phương thông qua đạn pháo được cài đặt ngòi điện tử định tầm nổ.
Loại đạn này sẽ nổ chụp trên đầu tốp bộ binh ẩn nấp sau vật cản với độ chính xác rất cao, hiệu quả lớn hơn nhiều so với đạn pháo 125 mm và 30 mm được xe tăng chiến đấu chủ lực và xe hỗ trợ tăng BMPT mang theo.
Việc Quân đội Nga không thể tung vũ khí nói trên ra trận mà phải trông đợi vào chiếc "thiết giáp lắp ghép" khá lạ lùng theo đánh giá là bởi 2S38 Derivatsiya chưa hoàn thành thử nghiệm, thậm chí nó còn bị xem như vũ khí thất bại bởi không thể sử dụng đúng thời điểm.