“Phao cứu sinh” cho bệnh nhân nghèo đất mũi

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Hội Đông y tỉnh Cà Mau đã mở rộng nhiều vườn thuốc Nam mẫu với quy mô lớn phục vụ cho mục đích làm từ thiện. Đây là một điểm sáng, là chiếc phao cứu sinh cho nhiều người dân nghèo trong và ngoài tỉnh. Đó là một mô hình hữu ích cần được quan tâm và nhân rộng trên cả nước.

“Phao cứu sinh” cho bệnh nhân nghèo đất mũi

Đồng hành cùng người nghèo

Phòng thuốc Nam chùa Tịnh Độ tọa lạc tại đường Phan Ngọc Hiển, phường 5 (TP Cà Mau) nhiều năm nay đã là nơi quen thuộc, điểm tựa sức khỏe cho người dân trong tỉnh. Mỗi ngày, chùa cung cấp miễn phí hơn một ngàn thang thuốc, phần lớn là người nghèo. Nơi đây khá đầy đủ loại thuốc cho căn bệnh mãn tính mà người nghèo không có khả năng chữa trị bằng tân dược. Lương y Huỳnh Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Đông y phường 5, đồng thời quản lí tủ thuốc Nam của chùa, cho biết: “Trước đây, chùa rất vất vả tìm nguồn nguyên liệu nhưng từ khi có các vườn thuốc Nam trong thành phố cung cấp đã an tâm hơn, phần lớn các thang thuốc hốt cho người dân được những vườn thuốc Nam mẫu của thành phố Cà Mau cung cấp, ngoài ra cũng xin được từ các tỉnh khác nhau, những ai đến đều được khám và hốt thuốc miễn phí”.

Nhân lực phục vụ cho công việc chế biến thuốc tại chùa là những người già cơ nhỡ hoàn cảnh neo đơn, bám trụ với chùa để làm phước. Cụ Lê Thị Phú, 85 tuổi, trước đây đã từng khỏi bệnh nhờ những thang thuốc miễn phí của chùa, hơn 10 năm nay cụ đến lao động công quả, tìm duyên nơi cửa phật và làm phước cho dân nghèo. Cụ Phú chia sẻ: “Gần chục người chúng tôi ngụ tại đây, đều lớn tuổi cả. Ai cũng mong muốn góp chút sức lực nhỏ bé mong người dân có thêm nhiều sức khỏe, tránh bệnh tật tai ương”.

Cũng giống như cụ Phú, ông Phạm Văn Hai, 64 tuổi không cầm được nước mắt khi hỏi về hoàn cảnh neo đơn của mình. Ông đến với chùa cùng chung mục đích là góp phần nhỏ bé trong việc lựa và xắt phơi thuốc. Hiện tại giáo hội Tịnh độ cư sĩ trong toàn tỉnh có 22 cơ sở và phần lớn thuốc Nam đều do những vườn mẫu thuốc Nam trong tỉnh cung cấp. Phát động từ năm 2012, đến nay, các vườn thuốc Nam mẫu do Hội đông y tỉnh Cà Mau phát động đã nhân rộng trong tất cả các huyện, thị, thành, 100% các xã phường thị trấn đều có vườn thuốc Nam mẫu với quy mô khác nhau cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh miễn phí trong tỉnh.

Mảnh vườn nhân văn

Hội Đông y TP Cà Mau là một trong những đơn vị tiêu biểu đi đầu trong công việc xây dựng mô hình vườn thuốc Nam mẫu. Tiên phong trong mô hình này là vườn thuốc Nam ở ấp 5, xã An Xuyên (TP Cà Mau). Anh Cao Ngọc Lịch, người đã hiến 300 m2 đất để thực hiện mô hình, kể lại: “Năm 2012, được sự động viên của chính quyền và Hội đông y thành phố, tôi mạnh dạn hiến vài trăm mét vuông đất, hy vọng mình góp phần nhỏ bé cho những người nghèo không may mắc bệnh, trồng nhiều cây thuốc thông dụng”.

Chính từ mảnh đất nhỏ đó đã nảy mầm cho ý tưởng mới là nhân rộng mô hình này ra nhằm mục đích từ thiện cao cả. Anh Thái Văn Hồng, một người dân ở ấp 5, xã An Xuyên bồi hồi nhớ lại ngày xưa, không tiền mua thuốc, vô vườn thuốc của anh Lịch được hỗ trợ miễn phí. Từ đó, không chỉ anh mà bà con trong xã rất khâm phục trước tấm lòng của người hiến đất. Cứ thế, với nhiều tấm lòng nhân hậu, đến nay Hội Đông y thành phố Cà Mau đã có 18 vườn thuốc Nam theo mô hình này hoạt động, đóng góp vào công việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Mỗi vườn đều tương đối đầy đủ mẫu thuốc Nam cần thiết phục vụ cho địa phương và cung cấp cho những cơ sở từ thiện.

Lương y Lâm Phước Hợp, Chủ tịch Hội Đông y TP Cà Mau cho biết: “Theo quy định của mỗi vườn thì tối thiểu phải có 40 cây thuốc mẫu, đến nay 18 vườn đều đạt và vượt con số trên 60 mẫu, vườn chỗ anh Lịch ở An Xuyên là nhiều nhất với trên 80 mẫu. Những mẫu khó nhân rộng mà trồng nhất như ngũ gia bì, từ bi, thần thông, đậu xăng, hà thủ ô, đinh lăng… hiện đã đủ cung cấp cho toàn thành phố”.

Không riêng gì thành phố Cà Mau mà các huyện trong địa bàn toàn tỉnh đã đảm bảo các vườn thuốc Nam chuẩn mẫu do Bộ Y tế quy định. Vườn thuốc Nam xã Biển Bạch, huyện Thới Bình là vườn thuốc Nam lớn nhất trong tỉnh, nơi đây cũng là nơi cung cấp nhiều cho những người nghèo trong huyện và cả huyện An Minh, Kiên Giang.

Lương y Trần Chí Nuôi, Chủ tịch Hội đông y huyện Thới Bình chia sẻ: “Để chủ động nguồn thuốc, ngoài vườn thuốc phục vụ cho phòng thuốc Nam của xã Biển Bạch, hội còn vận động người dân trồng cây thuốc Nam trong vườn nhà, khi người dân đến khám, họ cũng chủ động tìm cây thuốc Nam để bổ sung vào vườn thuốc”. Từ đó, lượng cây thuốc không ngừng được tăng lên, đến nay vườn thuốc của phòng đạt diện tích gần 1.000 m2, có mặt đầy đủ các loại cây thuốc Nam cần thiết, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Không chỉ vườn thuốc Nam xã Biển Bạch, vườn thuốc Nam xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước cũng là một vườn lớn trong tỉnh. Tuy không được nhiều mẫu như vườn thuốc Nam tại An Xuyên nhưng với diện tích rộng nên đã cung ứng một số lượng lớn thuốc làm từ thiện.

Hoàn thiện hệ thống vườn thuốc Nam trong tỉnh, đó là nỗ lực của Hội Đông y với phương châm tạo nhiều điều kiện chăm sóc sức khỏe hơn cho người nghèo mới có được thành quả như ngày hôm nay. Theo báo cáo của Hội Đông y tỉnh đã có hơn 2,8 triệu lượt người được khám từ thiện miễn phí trong 5 năm qua với số tiền quy ước hơn 17 tỷ đồng. Đó là thành quả không hề nhỏ của hội đóng góp cho người nghèo nơi đất mũi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.