Phận mồ côi chênh vênh "Vào đời"

GD&TĐ - “Vào đời” – một bộ phim của Síu Phạm đang được hâm nóng trên các trang mạng xã hội, thu hút đông đảo giới trẻ đề cập đến vấn đề giới tính.

Một cảnh quay đầy ngẫu hứng trong phim “Vào đời” tại Hà Nội.
Một cảnh quay đầy ngẫu hứng trong phim “Vào đời” tại Hà Nội.

Ngày 31/3 tới đây, phim “Vào đời” sẽ được trình chiếu rộng rãi. Buổi chiếu thuộc chương trình “Như trăng trong đêm” - chuỗi sự kiện xung quanh điện ảnh Việt Nam - quá khứ, hiện tại và tương lai, tựa những ngõ đi vào di sản.

Khoảnh khắc thành người lớn

Từ đầu tháng 3/2022, cộng đồng giới trẻ yêu phim Việt đã bàn luận về một bộ phim được cho là “rất lạ và rất quen” mang tên “Vào đời”.

Mặc dù cho đến giờ phút này, bộ phim vẫn chưa được trình chiếu nhưng điều nhạy cảm mang tên “thầm kín” - được giới trẻ quan tâm nhất ở một bộ phim dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, luôn thu hút sự quan tâm rất lớn.

“Vào đời” là bộ phim của Síu Phạm với sự tham gia của các diễn viên chính: Nguyễn Phương Linh, Ngô Xuân An, Ngô Trà Mi…

Bộ phim diễn tả rất thật về thế giới chênh vênh của hai thiếu niên sau cái chết đột ngột của cha mẹ mình. Trong sự chấn động vô hình, cả hai chị em vẫn tìm cách tự xoay xở để tồn tại. Giữa nhịp điệu hoang dại, khắc nghiệt và u hoài của đô thị, họ mất đi sự trinh trắng và trở thành người lớn.

Bộ phim ghi lại khoảnh khắc đặc biệt của hai nhân vật trẻ tuổi. Nhưng soi rọi vào đó, người xem luôn thấy bóng dáng mình trong đó, thấy khoảnh khắc mình trở thành người lớn – câu chuyện thầm kín của mọi người.

Giáo dục giới tính đã là một trong những điều khó nói, không chỉ của riêng các bậc cha mẹ, mà còn với giáo viên chuyên trách trong các trường học.

Diễn tả của nhà sản xuất phim “Vào đời”, cho rằng “mọi thứ không bao giờ xảy ra như vẫn tưởng tượng”. Điều không thể thiếu để nhắc nhở chúng ta trong sự chuyển hướng tuổi trưởng thành - sẽ là sản phẩm của những hên xui may rủi liên tiếp, những sai lầm và những tràn ứ trong mê cung cuộc sống.

Trong phim, nhân vật Mai không chịu bất kỳ hình thức chế ngự nào với mình, nhất là khi khó giữ được công việc để mưu sinh. Cô buồn bã, lang thang trên đường phố Hà Nội và được mời ngồi cùng bàn với hai người châu Âu. Còn Vinh cuối cùng đã quyết định rời khỏi cái ghế sofa của mình, nơi cậu bắt buộc phải ngủ, ăn và xem tivi để tìm đến mục đích có một công việc.

Muốn vậy, cậu phải ra khỏi nội đô, đến cổng của một ngôi nhà kiên cố - nơi ẩn dật của một người phụ nữ lớn tuổi mù lòa.

Vũ trụ của bộ phim “Vào đời” luôn sẵn sàng chuyển động trôi nổi, quanh co. Người chết tự mời mình vào cõi sống, người sống biến thành sương khói như ma, công nghệ xuất hiện như từ thời trung cổ, thiên nhiên giao thoa với siêu hiện đại. Phong thái điện ảnh liên tục biến đổi, không thể phân định của cấp bậc nghệ thuật.

Người xem như bị rơi vào mớ hỗn độn của thế giới đầy những phức tạp. Số phận như đã định của các nhân vật, là điển hình của những cạm bẫy và sự buông lơi của tâm lý tuổi trẻ. Đồng thời, “Vào đời” cũng thể hiện rõ những rắc rối đầy chênh vênh của lứa tuổi hồng – đặc biệt khi thiếu vắng định hướng đúng đắn từ người lớn.

“Vào đời” kể về câu chuyện “thành người lớn” của 2 thiếu niên sau khi mồ côi.
“Vào đời” kể về câu chuyện “thành người lớn” của 2 thiếu niên sau khi mồ côi.

Bênh vực giá trị con người

“Muốn xuất khẩu thành công một bộ phim, phải có rất nhiều vấn đề ẩn dụ. Ẩn dụ phải nói về con người – con người nói chung chứ không phải riêng của đất nước nào. Phim hay, dù trừu tượng đến độ bị đánh giá là dở trong thời điểm tại, thì 30 năm sau vẫn có người xem”. Đạo diễn Síu Phạm

Thuộc chương trình “Như trăng trong đêm” - chuỗi sự kiện xung quanh điện ảnh Việt Nam, với sự đồng hành của Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh, Viện Pháp, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam… Bộ phim của Síu Phạm hứa hẹn đem đến những góc nhìn rõ nét về cuộc sống giới trẻ hiện đại.

Síu Phạm là đạo diễn không quá xa lạ với công chúng Việt. Bà sinh tại Hà Nội và  từng theo học triết học, nghệ thuật, sân khấu điện ảnh. Sang Thụy Sĩ từ hơn 30 năm trước, nhưng khi ngoài 60 tuổi bà mới thành đạo diễn. Bà cùng người chồng tên là  Jean-Luc Mello đã làm nhiều phim tại Việt Nam: “Đó… hay đây?” (2011), “Căn phòng của mẹ - Homostratus” (2013), “Con đường trên núi” (2017)...

Là đạo diễn có phong cách làm phim dị thường, Síu Phạm làm phim như thể thời gian đời mình còn rất ngắn. Bà làm phim bằng mọi phương tiện có sẵn, không chỉ phá bỏ quy tắc của một bộ phim thông thường, mà còn phá vỡ cả quy trình sản xuất để được tự do sáng tạo.

Tuy nhiên, phim của Síu Phạm không hề dễ dãi mà luôn có những trăn trở, suy tư về vấn đề mang tầm phổ quát lớn trong xã hội, đậm màu sắc triết học và triết lý. “Con đường trên núi” là một ví dụ, dù lấy được rất nhiều tiếng cười nhưng để lại trong lòng công chúng vô vàn câu hỏi day dứt.

Síu Phạm chia sẻ: “Tôi làm phim chỉ để bênh vực giá trị con người. Nếu bên trong ta càng buồn, bên ngoài ta phải càng vui. Đó cũng là một cách để giữ tư cách của mình”.

Đạo diễn Síu Phạm cũng cho rằng, một phim hay phải khơi dậy được cảm xúc rất riêng tư của người xem. Một bộ phim lạ kỳ, truyền đạt một nội dung tinh tế khiến người xem phải ngỡ ngàng bùi ngùi hoặc sảng khoái. Cần phải biết phân biệt nghệ thuật phim ảnh và kỹ nghệ phim ảnh. Hai thứ này hoàn toàn khác biệt kể cả về nội dung lẫn hình thức.

“Một phim có thể thành công thương mại, rất đáng mừng cho người làm phim, nhà sản xuất… nhưng chưa chắc đã là một phim hay. Và có thể nói có nhiều phần trăm sẽ là một phim từ dở đến rất dở, như phim Avatar chẳng hạn”, đạo diễn Síu Phạm cho hay.

Không quả quyết phim của mình đã là hay, nhưng Síu Phạm từng khẳng định phim của bà “không có người già đến xem, mà toàn người trẻ”. Đó cũng là mong muốn của đạo diễn Síu Phạm – khi bà chủ trương truyền cảm hứng nghệ thuật đến với các đạo diễn trẻ, trong dòng chảy của điện ảnh ngẫu hứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ