Phần mềm quản lý sử dụng kháng sinh

GD&TĐ - Nhóm tác giả Trường Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu tạo ra phần mềm quản lý sử dụng kháng sinh khắc phục tình trạng lạm dụng kháng sinh.

Quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện giúp hạn chế tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.
Quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện giúp hạn chế tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.

Lạm dụng kháng sinh có thể gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe cộng đồng. Nhóm tác giả Trường Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu tạo ra phần mềm quản lý sử dụng kháng sinh khắc phục tình trạng nêu trên.

Hạn chế tình trạng kháng kháng sinh

Sở KH&CN TPHCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nâng cao hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh của Sở Y tế TPHCM thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện”. Đây là nhiệm vụ do Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (Trường Đại học Y Dược TPHCM) chủ trì thực hiện, đứng đầu là TS Nguyễn Thị Hải Yến.

TS Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, sự ra đời của kháng sinh là bước ngoặt lớn của y học, giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do nhiễm khuẩn. Kháng sinh là loại thuốc rất hiệu quả, an toàn và tương đối rẻ để cứu sống hàng triệu người. Thế giới đã sử dụng rộng rãi kháng sinh trong các bệnh viện, cộng đồng và nhiều ngành nghề khác.

“Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý trong thời gian dài (bao gồm không tuân thủ dùng kháng sinh, kê đơn không đúng liều hoặc sử dụng kháng sinh sai chẩn đoán) và lạm dụng kháng sinh đã gây ra tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng và trở thành vấn đề mang tính toàn cầu.

Không chỉ vậy, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý sử dụng kháng sinh chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh có dấu hiệu trầm trọng hơn”, TS Nguyễn Thị Hải Yến phân tích.

Trước thực trạng trên, việc xây dựng một chương trình nhằm tăng cường khả năng quản lý sử dụng kháng sinh, an toàn và hiệu quả trong sử dụng thuốc, bắt đầu từ nhiều mảng chuyên biệt cho đến cả cộng đồng tại Việt Nam là vấn đề được nhóm nghiên cứu ưu tiên hướng đến.

“Trong Quyết định 772 và Quyết định 5631, Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chí đánh giá thực trạng sử dụng kháng sinh và mức độ kháng thuốc trong bệnh viện. Tuy nhiên, hướng dẫn về cách phân tích, bao gồm thu thập dữ liệu và công thức tính toán cho các tiêu chí lại chưa được trình bày chi tiết, dẫn đến việc cho ra kết quả không chuẩn hóa ở từng cơ sở và thống nhất giữa các cơ sở y tế, gây khó khăn cho việc thực hiện, báo cáo cũng như đọc, hiểu, sử dụng báo cáo”, TS Nguyễn Thị Hải Yến thông tin thêm.

Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện bộ tiêu chí, được tổng hợp cả ở trong nước và trên thế giới, cập nhật dựa theo các thông tin mới nhất. Các thông tin liên quan đến bộ tiêu chí viết bằng tiếng Anh cũng được Việt hóa để phục vụ cho các nội dung nghiên cứu sau, nếu có sự xuất hiện tiêu chí mới mà bệnh viện đề xuất.

Quản lý và đánh giá hiệu quả

Để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm bộ tiêu chí trên một số bệnh viện đại diện thuộc Sở Y tế TPHCM. Qua đó, khảo sát thực trạng sử dụng kháng sinh, mức độ kháng kháng sinh và hoạt động quản lý kháng sinh tại các bệnh viện này. Các bệnh viện thử nghiệm phải có giá trị sử dụng kháng sinh trong tổng tiền thuốc từ 20% trở lên (gọi là bệnh viện pilot).

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả phân tích trong giai đoạn tháng 1/2022 đến tháng 11/2022 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, tổng số ca xuất viện là 57.557 ca với 36.512 ca có sử dụng kháng sinh và 23.437 ca (40,72%) đã thỏa mãn các tiêu chí được sử dụng để phân tích, đánh giá.

Từ kết quả phân tích và các phản hồi của bệnh viện trong quá trình nghiên cứu pilot, nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh các thông tin trên bộ tiêu chí nhằm phù hợp hơn điều kiện thực tế, đánh giá được khả năng triển khai trước khi khảo sát trên quy mô lớn.

“Bộ tiêu chí phản ánh được đầy đủ, toàn diện tình tình sử dụng kháng sinh và mức độ kháng kháng sinh, hỗ trợ trong việc ra quyết định can thiệp tại bệnh viện và phù hợp với tài nguyên của từng bệnh viện”, TS Nguyễn Thị Hải Yến khẳng định.

Theo TS Nguyễn Thị Hải Yến, tài liệu hướng dẫn và mẫu báo cáo của bộ tiêu chí được hình thành và đưa vào sử dụng tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM giúp cho công tác quản lý sử dụng kháng sinh được thực hiện dễ dàng, chuẩn hóa và thống nhất, cũng như tạo sự thuận tiện trong việc đọc, hiểu, phân tích báo cáo.

Ngoài ra, trong nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng hoàn chỉnh phần mềm hỗ trợ phân tích bộ tiêu chí đánh giá cho công tác quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện tại địa chỉ http://quanlykhangsinh.vn

Phần mềm có chức năng quản lý danh mục bệnh viện, danh mục dược, hoạt chất kháng sinh; hỗ trợ tra cứu kết quả phân tích chỉ số quản lý sử dụng kháng sinh; tra cứu thông tin liên quan đến các mẫu báo cáo quản lý sử dụng kháng sinh; xử lý các tính toán và phân tích biểu đồ, báo cáo đặc thù dựa trên dữ liệu có sẵn…

Nhóm nghiên cứu cũng đã thực hiện đánh giá mức độ chấp nhận của phần mềm đối với 60 đối tượng hoạt động trong công tác quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện theo từng cấp bậc gồm: Trưởng/phó khoa, chuyên viên, cho đến các nhân viên khác.

Kết quả cho thấy, hầu hết đối tượng tham gia thử nghiệm đều đánh giá cao các tính năng được xây dựng trong phần mềm với thang điểm tổng quát cho các tiêu chí gồm: Tổng quan hệ thống, tính năng đăng tải dữ liệu và xem thông tin, tính năng phân tích và trình bày kết quả đạt mức 8/9 điểm.

Phần mềm cũng được đánh giá có tính thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng hệ thống thông tin điện tử phục vụ cho việc thu thập, phân tích, báo cáo các tiêu chí của bộ tiêu chí đánh giá việc quản lý sử dụng kháng sinh. Kết quả nghiên cứu có thể hỗ trợ các bệnh viện, đánh giá phần nào thực trạng sử dụng kháng sinh tại cơ sở; đánh giá hiệu quả các can thiệp của chương trình quản lý kháng sinh; nâng cao chất lượng điều trị kháng sinh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ