Phần lớn lệnh cấm di trú được thực thi – Đừng vội đùa với Donald Trump

GD&TĐ - Ngày 26/6 theo giờ địa phương, Tòa hiến pháp Tối cao Hoa Kỳ cho hay sẽ xem xét sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về hạn chế di trú, và trong thời gian này phần lớn lệnh cấm đó có hiệu lực thực hiện. 

Tổng thống Donald Trump mở nắp bút trước khi ký sắc lệnh về di trú tại Bộ An ninh nội địa ngày 25/1/2017
Tổng thống Donald Trump mở nắp bút trước khi ký sắc lệnh về di trú tại Bộ An ninh nội địa ngày 25/1/2017

Lệnh cấm này đã bị hai tòa án liên bang tại bang Hawaii và bang Maryland hạn chế thi hành. Phán quyết của hai tòa án này được các tòa phúc thẩm giữ nguyên hiệu lực, nhưng đang bị đảo chiều ở Tòa hiến pháp Tối cao.

“Một thắng lợi rõ ràng”

Sắc lệnh hành pháp sửa đổi của Tổng thống Donald Trump, thường được gọi là lệnh cấm di trú, tạm ngưng cho phép công dân của sáu nước Hồi giáo nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày và ngưng chương trình của Mỹ nhận người tị nạn 120 ngày. Chính quyền của ông Trump giải thích rằng các bước này là cần thiết để sửa đổi hệ thống rà soát an ninh để bảo vệ an toàn cho đất nước trước những mối đe dọa từ bên ngoài.

Quan điểm của tòa án tối cao mang một sắc thái khác, cho phép lệnh cấm du hành tạm ngưng cho nhập cảnh đối với những người đến từ các nước Libya, Iran, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, và đình chỉ chương trình nhận người tị nạn. Tuy nhiên, các thẩm phán của tòa án tối cao nói rằng lệnh cấm du hành sẽ không thực thi đối với “những người nước ngoài chứng minh có quan hệ thực thụ với một cá nhân hoặc một thực thể Mỹ”.

Tòa án tối cao định nghĩa các quan hệ đó là: Đối với cá nhân phải chứng minh được quan hệ gia đình, đối với học sinh phải được một trường đại học nhận, và đối với người lao động thì phải có bằng chứng được thuê mướn. Tổng thống Trump nói rằng lệnh cấm di trú sẽ có hiệu lực trong vòng 72 giờ sau khi có phán quyết của tòa tối cao. Trong thông báo hôm thứ Hai 28/6, Tổng thống Trump nói quyết định của Tối cao Pháp viện “là một thắng lợi rõ ràng”.

Ông Trump nói thêm rằng phán quyết của tòa giúp ông bảo vệ đất nước. Ông nói: “Là Tổng thống, tôi không thể cho phép những người nước ngoài muốn làm hại chúng ta vào đất nước của mình. Tôi chỉ muốn những người nào có thể yêu nước Mỹ, yêu người Mỹ và sẽ siêng năng làm việc và có hiệu quả”.

Bộ An ninh nội địa Mỹ cho hay lệnh cấm di trú “sẽ được thực thi một cách chuyên nghiệp, với thông tin rõ ràng và đầy đủ cho công chúng, nhất là đối với những người có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, và trong sự phối hợp với các đối tác trong lĩnh vực du hành”.

Đến lượt dự luật chăm sóc sức khỏe?

Dường như được thúc đẩy từ thắng lợi bước đầu đối với lệnh hạn chế di trú, bất chấp trì trệ trong việc thông qua dự luật thay thế Obamacare tại Thượng viện, rạng sáng 29/6 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố dự luật chăm sóc sức khỏe của đảng Cộng hòa đang tiến triển tốt và dự đoán sẽ có bất ngờ.

Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, hôm 28/6 (theo giờ Việt Nam) đã hủy kế hoạch thông qua dự luật này tại Thượng viện trong tuần, trước Lễ Độc lập 4/7 vì chưa đủ sự tán đồng trong chính nội bộ đảng Cộng hòa. “Chúng ta gần hoàn tất, nhưng vì đất nước, chúng ta phải có chăm sóc y tế, nhưng không thể là Obamacare, vốn đang bị phai mờ. Phía chống đối chê bai đủ thứ chuyện dù họ chưa hiểu rõ luật này thế nào” - Tổng thống Donald Trump nói - “Sẽ tuyệt vời nếu luật được thông qua. Nếu không thông qua được thì sẽ không hay. Tôi hiểu cũng không sao, nhưng theo tôi, chúng ta đang có cơ hội làm một điều hết sức quan trọng cho công chúng, cực kỳ quan trọng cho người dân đất nước yêu dấu của chúng ta”.

Sau cuộc gặp các Thượng nghị sĩ Cộng hòa tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump bày tỏ lạc quan trước báo giới rằng: “Chúng ta sẽ có bất ngờ lớn”.

Lãnh đạo khối thiểu số ở Thượng viện, Chuck Schumer, đề nghị họp tất cả 100 Thượng nghị sĩ lại để thương lượng về các thay đổi trong chính sách chăm sóc y tế. Tổng thống Trump nhận xét: “Tôi không cho rằng ông ấy nghiêm túc. Ông ấy chưa nghiêm túc. Obamacare là một thảm họa mà ông ấy lại muốn tìm cách cứu vãn điều đang gây hại cho nhiều người như vậy”.

Ông Donald Trump khi tranh cử cam kết sẽ bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá phải chăng Obamacare. Dự thảo luật của đảng Cộng hòa chấm dứt yêu cầu của Obamacare rằng đa số người Mỹ phải mua bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt. Dự luật mới cắt giảm trợ cấp giúp người nghèo mua bảo hiểm, cắt mạnh Medicaid, tức chương trình chăm sóc sức khỏe của chính phủ dành cho người nghèo và người khuyết tật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.