Phần lớn các môn thi có phổ điểm gần với phân phối chuẩn

Phần lớn các môn thi có phổ điểm gần với phân phối chuẩn

- Sau khi phân tích điểm thi của thí sinh trên toàn quốc và xây dựng phổ điểm của các môn thi, cho đến thời điểm này Bộ GD&ĐT nhận định như thế nào về phổ điểm của các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018?

Ngày 11/7, tất cả các hội đồng thi chính thức công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018 và chúng tôi đã phân tích phổ điểm của các môn thi trong kỳ thi này. Đánh giá một cách tổng thể, phần lớn các môn thi có phổ điểm gần với phân phối chuẩn. Điều đó phản ánh công tác coi thi, công tác chấm thi bảo đảm tính nghiêm túc và khách quan.

Sự phân bố phổ điểm như vậy hỗ trợ tốt cho các Sở GD&ĐT trong xét tốt nghiệp, cũng như hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh. Một số môn có phổ điểm tốt là Vật lý, Hóa học, Sinh học và Địa lý; một số môn có điểm trung bình thấp hơn các môn khác như Ngoại ngữ, Lịch sử .

- Trong những ngày qua, thông tin phổ điểm môn Sử thấp, thậm chí ở nhiều địa phương, tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình chỉ xấp xỉ 20% đã khiến dư luận quan tâm. Vậy cụ thể phổ điểm môn Lịch sử năm nay như thế nào?

 

Tuy nhiên, môn Lịch sử vẫn là môn có số lượng điểm 10 lớn, 11 điểm 10 và hơn 700 thí sinh đạt điểm 9 trở lên. Đây là những thí sinh dự thi môn Lịch sử để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Ở đây có thể thấy, mục đích dự thi của thí sinh đã ảnh hưởng tới phổ điểm môn Lịch sử Với một kỳ thi với 2 mục đích, tính mục đích của các thí sinh trong kỳ thi rất là rõ. Thực tế là những thí sinh dự thi môn Lịch sử với mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng có điểm số tốt hơn hẳn so với những thí sinh chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp.

Ông Mai Văn Trinh

Năm nay, với môn Lịch sử, ban ra đề thi có một bước chuyển về việc định hướng ra các câu hỏi trong đề thi theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh, tức là không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay trả lời các câu hỏi máy móc theo khuôn mẫu có sẵn mà chú trọng về phần vận dụng các kiến thức của lịch sử trong việc giải quyết các vấn đề, có lẽ đây cũng là một trong những lý do căn bản khiến kết quả thi của các em không cao như những môn khác.

- Nhưng rõ ràng, điểm số môn Lịch sử thấp vẫn đặt dấu hỏi về việc dạy và học môn học này trong nhà trường. Ý kiến của ông như thế nào?

Tôi cho rằng, kết quả thi Lịch sử của các em chỉ phản ánh một phần nội dung đề thi, cách thức tổ chức thi, điều quan trọng hơn là chúng ta phải thay đổi phương pháp dạy học để làm sao môn Lịch sử trở nên thân thiện hơn, học sinh học hứng thú hơn, giáo viên dạy hiệu quả hơn và từ đó dẫn đến kiến thức lịch sử tích lũy được, năng lực vận dụng lịch sử trong cuộc sống được nâng lên.

Khi đó chắc chắn kết quả thi Lịch sử của các em trong kỳ thi THPT quốc gia cũng như những kỳ thi khác sẽ được thể hiện qua điểm số ở mức độ cao hơn.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng 

- Với một kỳ thi được đổi mới theo hướng ra đề thi đánh giá được năng lực học sinh, cá nhân ông và những người trong ban ra đề có bất ngờ với kết quả thi năm nay không?

Chúng tôi không bất ngờ. Chúng ta đang chuyển nền giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thứ sang phát triển phẩm chất và năng lực, điều đó đòi hỏi một quá trình, không thể chỉ ngày một, ngày hai.

Trong quá trình ấy, chúng ta có rút kinh nghiệm, có thay đổi, có đổi mới để năm sau cao hơn năm trước và đến một thời điểm nào đó thì thật sự việc dạy học sẽ hoàn toàn theo định hướng phẩm chất và năng lực.

Kèm với đó là hình thức thi theo hướng đánh giá năng lực của học sinh ở mức độ hoàn chỉnh, lúc đó chúng ta sẽ phản ánh một cách chính xác hơn, khách quan hơn năng lực của các em, không chỉ với môn Lịch sử mà tất cả các môn khác.

Tôi muốn nói thêm, không phải năm nay chúng ta mới đưa vào các câu hỏi đánh giá năng lực, việc này đã làm từ những năm trước, đặc biệt là năm 2016 trở lại đây. Các câu hỏi đánh giá năng lực ngày càng xuất hiện nhiều trong đề thi THPT quốc gia, chỉ khác nhau về mức độ, năm sau dày hơn năm trước.

Tất nhiên mỗi môn học có một đặc thù riêng, có thể với môn này sự chuyển đổi, sự tiếp nhận từ dạy học cho đến việc học sinh lĩnh hội, thi cử thuận lợi hoặc khó khăn hơn nên kết quả thể hiện ra bên ngoài có sự khác nhau.

- Có thể thấy năm nay phổ điểm ngoại ngữ vẫn nghiêng về phía thấp nhiều hơn, tình trạng này không phải lần đầu tiên xảy ra. Phải chăng, đang có sự chuyển biến chậm chạp việc cải thiện chất lượng dạy Ngoại ngữ trong nhà trường?

Riêng môn Ngoại ngữ chúng ta phải thấy, đúng là nhìn trong phạm vi cả nước thì sự chuyển biến chưa rõ nét. Tuy nhiên đi vào phân tích sâu theo từng tỉnh, từng vùng thì thấy rất rõ đối với những thành phố, thị xã có điều kiện để học ngoại ngữ tốt thì kết quả của các em cao và sự cải tiến nâng cao chất lượng rất rõ. Còn ở những vùng còn khó khăn thì sự chuyển biến về ngoại ngữ chưa rõ nét.

Tới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai một cách hiệu quả đề án 2080 để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nền giáo dục quốc dân.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.