Cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư để dùng mua cổ phần, trả nợ, sửa biệt thự, chi tiêu khác.
Dòng tiền về đâu?
Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định, đối với hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái) cùng đồng phạm thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của ông Quyết, Trịnh Thị Minh Huế bán cổ phiếu ra thị trường thu lợi bất chính hơn 700 tỷ đồng.
Đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện các thủ đoạn lập, ký khống hồ sơ góp vốn, nâng khống vốn góp vào Công ty Faros.
Đồng thời, lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM.
Sau khi niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu thu được trên 4.818 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Ông Trịnh Văn Quyết sử dụng số tiền thu lời bất chính vào việc: Chi hơn 122 tỷ đồng để mua cổ phần của 3 công ty thuộc hệ sinh thái FLC (gồm hơn 83 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty CP Hàng không Tre Việt; hơn 29 tỷ đồng vào Công ty Newland Holdings để mua cổ phần Công ty CP FLC Travel; hơn 9 tỷ đồng vào Công ty CP Nông dược HAI để mua cổ phần của Công ty CP nông dược HAI).
Đồng thời chuyển hơn 36,7 tỷ đồng vào tài khoản của vợ và em gái để sử dụng (Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết 35,95 tỷ đồng; Trịnh Thị Minh Huế, em gái ông Quyết hơn 771 triệu đồng). Ngoài ra, có hơn 73 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của Tống Xuân Vương. Bên cạnh đó, có hơn 7,7 tỷ đồng được dùng để thanh toán tiền sửa chữa nhà biệt thự BT30, Khu đô thị Mỹ Đình, đứng tên Trịnh Văn Quyết và Lê Thị Ngọc Diệp.
Số tiền còn lại hơn 482 tỷ đồng tiếp tục được lưu giữ trong các tài khoản chứng khoán do bà Huế quản lý, sử dụng để thực hiện hành vi mua, bán chứng khoán (trong đó, riêng tài khoản chứng khoán của Trịnh Văn Quyết là hơn 38 tỷ đồng).
Đối với số tiền chiếm đoạt từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng xác định số tiền bán cổ phiếu ROS. Cụ thể, nộp hơn 181 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Tập đoàn FLC và 5 công ty con, công ty liên kết với Tập đoàn FLC (Công ty CFS 50 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn FLC gần 76 tỷ đồng; Công ty FLC Nghỉ dưỡng 50 tỷ đồng; Công ty địa ốc Star 3,5 tỷ đồng; Công ty Ion Complex 1,4 tỷ đồng và Công ty FLC Land 200 triệu đồng)….
Không đủ căn cứ xác định thiệt hại của nhà đầu tư
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết, có đơn của 685 nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, đồng thời đề nghị bồi thường thiệt hại đối với 6 mã chứng khoán nhóm FLC.
Về nội dung đơn thư này, Cơ quan cảnh sát điều tra đã phân loại giải quyết theo quy định. Cụ thể, đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC, Cơ quan điều tra cho rằng, không có căn cứ để xem xét giải quyết do không đủ căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây ra, theo kết luận giám định ngày 23/10/2023 của Bộ Tài chính.
Đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS, đã được Cơ quan điều tra phân loại, ghi lời khai, xác định bị hại kết luận trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan cảnh sát điều tra nêu, 126 đơn của các cá nhân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân Công ty CP Tập đoàn FLC và Công ty Cổ phần FLC Quy Nhơn Golf & Resort; Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC... Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã phân loại, chuyển Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra các địa phương để giải quyết theo thẩm quyền.
Với 44 đơn của 33 cá nhân ký hợp đồng đặt mua trái phiếu của Công ty CP Tập đoàn FLC phát hành tháng 12/2021, với giá 10.000 đồng/trái phiếu, lãi suất 12%/năm, Cơ quan cảnh sát điều tra nêu: Đây là vụ việc tranh chấp dân sự, các bên đang thỏa thuận giải quyết chưa thống nhất, nếu các bên thỏa thuận không thống nhất thì khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo quy định.