Đề nghị truy tố 51 bị can liên quan đến Tập đoàn FLC

GD&TĐ - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01), Bộ Công an đã có kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5), đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng

Theo Bộ Công an, C01 điều tra, xử lý vụ án hình sự về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros, các công ty liên quan thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, do Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cùng đồng phạm và các cá nhân thuộc cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực chứng khoán thực hiện.

Cụ thể, đối với hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” từ ngày 26/5/2017 đến 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng để Huế quản lý, sử dụng thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của Quyết, Trịnh Thị Minh Huế bán cổ phiếu ra thị trường thu lợi bất chính 723.322.534.069 đồng.

Đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros, các Công ty thuộc Tập đoàn FLC; người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, nâng khống 3.102.488.917.818 đồng vốn góp vào Công ty Faros làm tăng vốn điều lệ của Công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó tạo lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros tại Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM.

Sau khi niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trên sàn chứng khoán, từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022 (thời điểm bị khởi tố), Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán 391.155.480 cổ phiếu được hình thành từ vốn góp khống nắm giữ tại Công ty Faros thu được 4.818.233.165.700 đồng, trong đó chiếm đoạt 3.620.722.083.518 đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Hàng loạt cán bộ ngành chứng khoán bị khởi tố

Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã tiến hành điều tra, làm rõ sai phạm của các cá nhân thuộc cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu, tiến hành, khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 51 bị can. Cụ thể, 21 bị can bị khởi tố về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”; 31 bị can bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 4 bị can thuộc Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 3 bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị khởi tố về tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.