Phân biệt khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai tây Đà Lạt

GD&TĐ - Nếu như khoai tây Trung Quốc có kích thước đồng đều, vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to thì khoai tây Đà Lạt ít đồng đều, vỏ mỏng nên dễ bị trầy.

 Phân biệt khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai tây Đà Lạt

Mới đây, Công an TP. Đà Lạt đã bắt quả tang vụ trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc rồi bán lại cho người khác đưa ra thị trường tiêu thụ, đánh lừa người tiêu dùng khi tiến hành kiểm tra đột xuất tại quầy số 19 (do bà Đoàn Thị Chè, 56 tuổi làm chủ) ở Chợ Nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng).

Vào dịp này là thời điểm khoai tây Đà Lạt bắt đầu khan hiếm do đã qua vụ thu hoạch từ lâu, lượng khoai được người dân tích trữ trong kho cũng bị hư hỏng, nảy mầm. Nguồn cung khoai tây Đà Lạt cho thị trường sụt giảm nên giá bị đẩy lên cao nhiều lần so với chính vụ.

Đây cũng là lúc các tiểu thương chợ đầu mối nông sản Đà Lạt bắt đầu nhập khoai tây Trung Quốc về với giá khá rẻ. Sau khi được “tân trang”, khoai tây sẽ chuyển đi tiêu thụ tại thị trường khắp trong cả nước… với giá bán cao hơn rất nhiều so với giá gốc.

Vụ việc nhập khoai tây Trung Quốc số lượng lớn rồi “phù phép” thành khoai tây Đà Lạt bán ra thị trường khiến nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoang mang, lo lắng. Nhiều người phân vân không biết cách nào để nhận biết khoai tây Đà Lạt và khoai tây Trung Quốc khác nhau ở điểm nào?

Dưới đây là những đặc điểm mà chúng tôi chia sẻ để người tiêu dùng chọn mua khoai tây tránh mua nhầm phải khoai tây Trung Quốc.

Khoai tây Trung Quốc do được sử dụng chất tăng trưởng nên có củ to và dài hơn, kích cỡ các củ khoai tây đồng đều nhau. Trên thân có nhiều chấm đen nhỏ li ti và mắt củ khá to. Bên trong ruột củ khoai tây da vàng thì có màu trắng nhạt, còn ruột khoai tây da hồng thì có màu vàng đậm.

Đối với khoai tây Đà Lạt thì kích thước vừa phải, có hình bầu dục hoặc tròn, kích cỡ không đều nhau. Khoai tây Đà Lạt da vàng thì có ruột màu vàng nhạt hoặc trắng đục, còn khoai tây da hồng thì ruột có màu vàng nhạt hơn. Khi cắt đôi thì bạn sẽ cảm thấy bề mặt khoai tây khô ráo, không có nước và không bị dính tay.

Về phần vỏ, củ khoai Trung Quốc vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to. Trong khi khoai tây Đà Lạt vỏ mỏng nên dễ bị trầy, mắt củ ít và nhỏ. Cách đơn giản, người tiêu dùng chỉ cần dùng móng tay cào nhẹ lớp vỏ ngoài của củ khoai tây, nếu vỏ dễ bong tróc là khoai Đà Lạt, còn vỏ khó bong là khoai Trung Quốc.

Về phần ruột, khi bổ khoai tây ra, nếu thấy lớp cắt khoai tây có nhiều nước, bị ướt thì đó là khoai tây Trung Quốc. Còn ruột khoai tây Đà Lạt sẽ có bề mặt khô ráo, không có nước và không bị dính tay.

Về màu sắc, với khoai tây da vàng, ruột khoai của Trung Quốc có ruột màu trắng hơi ngả vàng, còn ruột khoai Đà Lạt có màu vàng ươm.

Phân biệt khoai tây sau khi chế biến thành món ăn thì khoai tây Trung Quốc có vị sượng, bị nhão và không được bùi, món chiên thì bị nát và không được giòn. Còn đối với khoai tây Đà Lạt sẽ có vị bùi, ngọt tự nhiên, béo thơm và khi chiên thì không bị nát và rất giòn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.