Mặc dù các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn ngừa hành vi xả rác bừa bãi, nhất là việc đổ trộm chất thải ra môi trường, nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện. Vẫn không ít đối tượng đổ xả trộm đất đá phế liệu, xả rác thải một cách tùy tiện mà các phương tiện thông tin đại chúng vẫn hàng ngày đưa tin phê phán
Ngoài nguyên nhân do ý thức kém của một bộ phận người dân thì việc tổ chức thực hiện các chế tài đối với hành vi xả rác bừa bãi chưa được cơ quan chức năng quan tâm triển khai nghiêm túc, quyết liệt. Theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì người vứt rác bừa bãi có thể bị xử phạt lên đến 7 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay có rất ít trường hợp bị xử phạt về hành vi này.
Trước đây, khi chế tài còn nhẹ (Nghị định 179/2013) thì nhiều địa phương, cơ quan chức cho rằng chưa đủ sức răn đe. Nhưng với quy định mới thì lại không được thực thi triển khai nghiêm túc. Thậm chí, còn biểu hiện làm qua loa, buông lỏng, xem nhẹ.
Có thể khẳng định rằng nếu việc triển khai xử phạt được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt thì việc xả rác bừa bãi chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều. Bởi lẽ, chỉ cần có hành vi vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định thì phải bị truy xét đến cùng để tìm ra người vi phạm, đối tượng vi phạm, cố tình vi phạm phải bị xử phạt nghiêm khắc. Và với mức xử phạt có thể lên đến 7 triệu đồng thì việc “mạnh tay” đối với việc xả rác là việc làm có sức răn đe lớn.
Trên thực tế việc phát hiện hành vi xả rác bừa bãi không phải là “quá khó” nếu có sự đồng lòng, chung sức của người dân. Tai mắt của người dân có ở khắp nơi, nếu phát huy được người dân tham gia tố giác hành vi xả rác bừa bãi thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. Nhưng để làm được điều này, bên cạnh việc động viên khuyến người dân đồng thuận với việc chống hành vi đổ xả rác thải bừa bãi, các có mức thưởng xứng đáng cho việc tố giác việc xả rác bừa bãi để động viên, khuyến khích người dân, tập thể tổ dân phố cùng tham gia bảo vệ môi trường.
Thiết nghĩ, để thực hiện được nghiêm Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cấp chính quyền cơ sở cũng như lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát gắt gao nhằm phát hiện, xử lý kiên quyết những người có hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường. Điều này không những nhằm bảo vệ tốt hơn môi trường mà còn góp phần nâng cao ý thức, tạo ra nét văn hóa, nề nếp trong nhân dân về bảo vệ, giữ gìn môi trường sống trong sạch, văn minh.