Góp phần hình thành thói quen, ý thức cho trẻ
Theo cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 (TPHCM), giáo dục hình thành thói quen, ý thức cho HS về bảo vệ môi trường luôn được trường quan tâm, chú trọng và triển khai thường xuyên trong suốt quá trình học tập của HS.
Trước hết, để giáo dục tạo thói quen, hình thành ý thức cho các em về bảo vệ môi trường thì giáo viên, nhân viên là những người tiên phong, gương mẫu đi đầu. Ngoài việc thường xuyên nhắc nhở, giáo dục các em từng ngày, qua từng bài học trên lớp, qua tranh ảnh, băng rôn, áp phích… trường cũng kết hợp nhiều hoạt động khác nhau để giúp các em hiểu rõ được vì sao phải bảo vệ môi trường, vì sao phải phân loại rác? Hậu quả của việc xả rác bừa bãi, không phân loại rác… và những cách nào để hạn chế rác thải.
Theo đó, sáng thứ Hai đầu tuần, nhà trường tạo bất ngờ cho HS khi có “5 anh em siêu nhân” - nhân vật trong phim hoạt hình đã xuất hiện ở sân trường với những câu chuyện thú vị, cùng hướng dẫn HS cách phân biệt các loại rác để các em bỏ rác đúng quy định, phân loại rác tại nguồn.
Trường cũng tổ chức cho các em tham gia Ngày hội môi trường với các hoạt động như thi xây dựng mô hình thùng rác hai ngăn, thử tài thiết kế logo về phân loại rác; làm túi giấy bảo vệ môi trường… hay Hội xuân với những món quà xuân làm từ đồ handmade, đồ tái chế để qua đó giáo dục cho các em về ý thức bảo vệ môi trường.
Tương tự, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, lồng ghép nhiều hoạt động nhằm giáo dục cho HS ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại rác từ nguồn. Theo đó, qua từng chuyên đề, HS các lớp được chơi các trò chơi nhỏ để học cách phân biệt, phân loại được các loại rác thải khác nhau, cách xử lý từng loại rác, hậu quả của việc xả rác bừa bãi và hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác, hiểu biết về việc tái chế rác thải, giữ gìn tài nguyên, tiết kiệm nguyên liệu và bảo vệ môi trường… Các em sẽ lần lượt đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao phải phân loại rác tại nguồn; Phương pháp phân loại rác tại nguồn; Phương pháp thu gom rác và làm gì để hạn chế rác thải?
Linh hoạt thực hiện
Cũng là chủ đề phân loại rác, nhưng với những HS mầm non, các trường lại chọn cách giáo dục đơn giản, dễ làm, dễ hiểu; đó là cách xử lý hộp sữa giấy sau khi các em uống.
Tại Trường THCS Đức Trí, quận 1, HS đã rất hào hứng khi tham gia các chuyên đề về phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, các em được hướng dẫn rất kĩ để làm các đồ tái chế đơn giản. Ví dụ như sử dụng các chai nhựa, chai thủy tinh, giấy báo cũ, thùng giấy để làm ra các sản phẩm như: Hộp đựng bút, bình cắm hoa, giá đựng điện thoại…
Các em có thể làm phân bón từ nhóm rác hữu cơ. Qua chuyên đề, nhiều nhóm HS của từng lớp đã tự làm các đồ tái chế, tự làm phân bón hữu cơ tại nhà và đã có những sản phẩm để chia sẻ với các bạn trong trường, thậm chí còn thiết kế thành poster hay quay video clip chia sẻ trên YouTube để hướng dẫn các bạn cùng làm.
Bên cạnh đó, trường cũng đã tham gia dự án của Sở Tài nguyên - Môi trường TP về thu gom hộp sữa giấy để tái chế làm mái lợp sinh thái.
Cô Bùi Thị Minh Châu, giáo viên Trường THCS Đức Trí, người phụ trách chuyên đề Phân loại rác tại nguồn cho HS của trường cho biết: “Ở môi trường học đường, các em luôn được các thầy cô hướng dẫn, nhắc nhở, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, về phân loại rác luôn thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Qua đó, chúng tôi mong muốn rằng, các em không chỉ có thói quen, ý thức về phân loại rác từ nguồn tại trường học mà để khi về với gia đình, tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi ngoài nhà trường các em sẽ là những tuyên truyền viên nhí để kêu gọi, nhắc nhở mọi người cùng chung tay góp phần bảo vệ môi trường”.