Trường Tiểu học Tự Nhiên (huyện Thường Tín, Hà Nội) tổ chức thu nhiều khoản trái với quy định của ngành Giáo dục và chưa có hướng dẫn của đơn vị chức năng.
Nóng vội
Báo GD&TĐ số 227 (ra ngày 22/9/2023) có bài viết “Thường Tín (Hà Nội): Hiệu trưởng trường tiểu học che giấu lạm thu?”. Bài viết phản ánh nhiều khoản thu của Trường Tiểu học Tự Nhiên cũng như Ban đại diện cha mẹ học sinh trường này có dấu hiệu trái quy định của Bộ GD&ĐT và chưa được UBND huyện Thường Tín có văn bản hướng dẫn, cho phép.
Trong đó, dưới danh nghĩa tự nguyện, xã hội hóa, Ban đại diện cha mẹ học sinh của một lớp tại khối 1 tổ chức thu 500.000 đồng/học sinh (200.000 đồng tiền điều hòa, 100.000 đồng quỹ lớp, 150.000 đồng nộp về quỹ Ban phụ huynh của nhà trường và 50.000 đồng tiền vệ sinh). Ngoài ra, thông báo tạm thu trong tháng 9/2023 là 644.000 đồng/học sinh (tiền cơ sở vật chất 100.000 đồng/năm, tiền chăm nom 130.000 đồng, tiền ăn 414.000 đồng/18 bữa ăn).
Liên quan đến phản ánh trên, chiều 26/9, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Như Ý - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín cho biết, ngay sau khi bài báo đăng tải, phòng yêu cầu Trường Tiểu học Tự Nhiên báo cáo, đồng thời ông trực tiếp xuống kiểm tra.
Qua kiểm tra tại trường, ông Nguyễn Như Ý nhắc nhở Trường Tiểu học Tự Nhiên với khoản tạm thu tháng 9/2023 là nóng vội, cần rút kinh nghiệm và nên đợi văn bản của UBND huyện Thường Tín cho chặt chẽ. Bởi việc duyệt mức thu của các nhà trường đang được Phòng GD&ĐT tổng hợp, báo cáo trình UBND huyện ra văn bản hướng dẫn, cho phép.
“Trên địa bàn hiện có 30 trường tiểu học và tổng ba cấp học (mầm non, tiểu học, THCS) là 90 trường, phòng đang tổng hợp và trình UBND huyện Thường Tín có văn bản hướng dẫn. Công việc ban hành văn bản của huyện chưa thể xong ngay trong những ngày đầu năm học được…”, ông Nguyễn Như Ý giải thích.
Khi được hỏi về số tiền 500.000 đồng/học sinh được Ban đại diện cha mẹ học sinh thu, ông Nguyễn Như Ý cho rằng, đó là trên tinh thần tự nguyện, xã hội hóa để phục vụ nhiệm vụ học tập của học sinh. Đồng thời, thừa nhận khoản 50.000 đồng tiền vệ sinh/học sinh là trong quy định không được phép, thu là sai.
“Phụ huynh đứng ra thu, tự họ sẽ điều hành việc đó, miễn làm sao có sự đồng thuận, không ai đè ra bắt phải thu cả…”, ông Nguyễn Như Ý bày tỏ.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín cũng cho biết, đã yêu cầu cán bộ chuyên môn phụ trách các bộ phận thông báo chấn chỉnh đến các trường không để tình trạng tương tự.
Cần có hình thức kỷ luật
Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến. |
“Ở đâu đó vẫn còn thầy cô trù úm, tức là không trong sáng trong đối xử với học sinh khi phụ huynh có ý kiến về thu chi. Vì vậy, bản thân gia đình phụ huynh học sinh phải tháo gỡ cho chính mình tâm lý này. Đồng thời, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đứng về phía phụ huynh học sinh chứ không chỉ đứng về phía giáo viên hay nhà trường. Đây cũng là chìa khóa để tháo gỡ được tâm lý lo ngại và tình trạng lạm thu…”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nói.
Liên quan đến sự việc trên, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khoá XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nhà trường cũng như Ban đại diện cha mẹ học sinh cần thực hiện nghiêm Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT.
“Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó, hướng dẫn và quy định 8 khoản tiền không được thu, tại sao vẫn vi phạm. Đó chính là trên bảo dưới không nghe, kỷ cương phép nước không nghiêm…”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
“Vi phạm không thể để phê bình rút kinh nghiệm mà phải có hình thức kỷ luật. Trước hết là người đứng đầu cơ sở giáo dục là Ban giám hiệu, Hiệu trưởng. Nếu bao che, tạo điều kiện cho thu các khoản không được phép thì cũng sai. Rõ ràng không thực hiện nghiêm quy định của Bộ GD&ĐT, ai thực hiện sai, người đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể mãi phê bình, rút kinh nghiệm...”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.
“Rất nhiều cơ sở giáo dục họp phụ huynh xong lại giao cho giáo viên chủ nhiệm chủ trì. Ban đại diện cha mẹ học sinh thì đứng lên nhận với nhà trường họp với các phụ huynh. Thậm chí nói là đây không phải nhà trường ép buộc mà chúng ta tự nguyện để phục vụ con em mình.
Những khoản như: Vệ sinh, an ninh, điều hòa, quạt… đấy là cơ sở vật chất nhà trường phải lo. Nếu nhà trường thiếu thì đề nghị UBND cấp huyện hay Sở GD&ĐT để đầu tư, chứ không vận động phụ huynh học sinh đóng góp. Bởi đây cũng là những khoản mà Bộ GD&ĐT nêu ra trong Thông tư là không được thu…”, ông Tiến lý giải.
Theo ông Tiến, Nhà nước dành 20% tổng thu ngân sách cho giáo dục. Vì vậy, tuyệt đối không thể núp danh nghĩa tự nguyện để ép buộc phụ huynh học sinh phải nộp những khoản mà Bộ GD&ĐT có quy định không thu.
Vị đại biểu Quốc hội khoá XIII cũng kiến nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cần có văn bản, ý kiến chính thức đối với Trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã về việc nghiêm khắc, yêu cầu kiểm điểm phê bình đối với những cơ sở giáo dục lạm thu. Qua đó tránh tình trạng đầu năm học được ví như “mùa thu”, tình trạng lạm thu vẫn còn.