Nhiều ý kiến cho rằng quy định trong dự thảo Luật giáo dục đại học (lần thứ 4) đối với trường đại học tư thục vẫn còn ít, thiếu thống nhất và chưa đề cập đến nhiều vấn đề nóng của trường tư thục hiện nay, trong đó có ý kiến cho rằng có nên xem trường đại học tư thục là doanh nghiệp hay không?
Bàn về vấn đề này, có nhiều ý khác nhau, có ý kiến đề xuất nên xác định rõ đại học tư thục là doanh nghiệp, vận hành theo Luật doanh nghiệp; ý kiến khác cũng cho rằng đại học tư thục cần phải được điều chỉnh theo Luật giáo dục đại học…
Theo quan điểm của tôi, cần thiết phải xem đại học tư thục là doanh nghiệp và phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp và Luật giáo dục đại học. Bởi, đại học tư thục được thành lập để đào tạo ngành nghề cho sinh viên, lợi nhuận thu được từ nguồn học phí của sinh viên.
Nguồn thu này là sự thỏa thuận bình đẳng, tự nguyện giữa sinh viên và nhà trường, đồng thời, đại học tư thục được vận hành theo cơ chế thị trường, khi không đủ điều kiện hoạt động thì tự giải thể, gây hậu quả thì bồi thường thiệt hại; đại học tư thục có hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị và bộ máy vận hành như một doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đại học tư thục là hoạt động đào tạo nguồn nhân lực quan trọng của đất nước, cần phải có quy định cụ thể về ngành nghề, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, số lượng, tiêu chuẩn giảng viên; quy định khung mức học phí, chi phí đào tạo, nộp thuế…tức là đại học tư thục là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện, chịu sự quản lý từ các cơ quan nhà nước, được điều chỉnh bởi Luật giáo dục đại học và các văn bản pháp luật có liên quan.
Đồng thời, chất lượng đào tạo ngành nghề của trường đại học tư thục cần phải được giám sát một cách chặt chẽ, áp dụng thống nhất, đào tạo một cách bài bản, chính quy, chuyên nghiệp, góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao. Hạn chế tình trạng đào tạo tràn lan, thu hút sinh viên bằng mọi giá như “thổi phồng” chất lượng đào tạo, mượn danh tiếng của giảng viên để củng cố uy tín, nói quá về tỷ lệ có việc làm của sinh viên…, đồng thời tự đưa ra nhiều khoản thu phí, lệ phí để bắt ép sinh viên…nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất cho trường.
Mặt khác, cần phải xác định rõ mục đích, tôn chỉ của các trường đại học tư thục, đó là hoạt động trong lĩnh vục giáo dục nên không đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết, nếu quá coi trọng lợi nhuận mà không song hành với chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên thì việc này đồng nghĩa với việc hủy hoại cả một thế hệ đào tạo, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực lao động cung cấp cho xã hội.
Người đứng đầu đại học tư thục phải là người thực sự tâm huyết, yêu nghề, phải là người am hiểu và có chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục, chứ không phải là người làm kinh doanh theo đúng nghĩa của nó. Các trường đại học tư thục phải tự khẳng định mình bằng chất lượng đạo tào, thể hiện qua tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; thường xuyên liên kết với doanh nghiệp hoặc dự báo của nhu cầu thị trường lao động để đào tạo ngành nghề phù hợp với sinh viên…
Do đó, cần phải xem đại học tư thục là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý giáo dục và quan trọng nhất là không đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên mục tiêu giáo dục. Có như vậy, các trường đại học tư thực mới có chỗ đứng trong xã hội, luôn là chỗ dựa tin cậy và đồng hành cùng với sinh viên.