Phải trở thành người hạnh phúc nếu muốn gia đình hạnh phúc

GD&TĐ - Hạnh phúc trong hôn nhân là điều mà ai cũng mong muốn. Nhưng làm thế nào để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc?

Phải trở thành người hạnh phúc nếu muốn gia đình hạnh phúc

Chồng mình là người ham vui, thích tiêu tiền nhưng không thích đi kiếm tiền, thích được khen, thích thể hiện. Trước mọi người (trước bất kỳ ai) đi đâu, làm gì cũng phải hoành tráng, hào phóng với hàng xóm.

Còn gia đình, vợ con không cần thiết, không quan tâm, tư tưởng lúc nào gia đình cũng phải có trách nhiệm với mình, trong khi đó chưa bao giờ biết quan tới người khác, hay nói những lời cay độc làm tổn thương người đối diện, chính mẹ đẻ cũng phải khóc thầm trong ngậm ngùi vì bất lực.

Cũng có lần mình định chia tay. Nhưng vì nghĩ đến con, muốn cho chúng có một gia đình hoàn thiện nên mình đành cắn răng chịu đựng để chăm sóc và bảo vệ các con. Mình mong muốn chồng hiểu ra lý lẽ phải trái để cư xử đúng mực.

Cách đây hơn một năm mình phát hiện bị ung thư họng, mình đã cố gắng chữa trị bằng những loại thuốc tốt nhất, hiện nay sức khỏe đã ổn định. Nhưng chồng mình không nghĩ đến điều kiện kinh tế hiện tại, chỉ đòi hỏi theo sở thích, những lúc không đáp ứng được là sinh sự chửi bới rồi hành hạ các con.

Mình có nên tiếp tục mối quan hệ này để con nhận được gia đình đầy đủ và chờ đợi sự thay đổi từ anh?

Chuyên gia tâm lý Bảo An tư vấn

Khi bạn gửi những dòng này và mong được giải đáp là bạn vẫn đang tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn và muốn tìm giải pháp.

Chúng ta cùng nhau nhìn lại hôn nhân, tình yêu của mình và trả lời một vài câu hỏi sau để tìm hiểu hơn bạn nhé:

Thứ nhất, vì sao ngày xưa bạn lại chọn lấy anh ấy?

Khi đọc những dòng chia sẻ của bạn có thể thấy hiện lên hình ảnh một người chồng không mấy tốt đẹp. Ngày xưa không ai có thể ép bạn lấy anh ấy nếu như bạn không đồng ý. Vậy bạn nhìn thấy được vẻ đẹp gì của anh ấy khi ngày đầu tiên hai bạn đến với nhau? Có phải ngay từ đầu anh đã như vậy không?

Nếu ngay từ đầu anh ấy là một chàng trai, bạn đời dễ thương nhưng sau thời gian chung sống với mình lại trở nên khó chịu hơn. Vậy chúng ta đã chung sống với nhau như thế nào mà những nét đẹp đã phai mờ thay vào đó ta chỉ thấy những điều xấu tệ ở đối phương?

Nếu trong trường hợp bạn được mai mối hay bố mẹ thúc giục và mình vội vàng cưới anh ấy thì mình phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn này. Nhưng chắc hẳn lúc đó anh cũng có những giá trị để mình quyết định gắn bó thành vợ chồng?

Đọc đến đây, nếu bạn thấy mình nhớ lại và nhận ra anh có nhiều điểm tốt và cả hiện tại anh cũng vẫn có những điểm tốt mà mình đã không nhìn ra thì bạn có thể tạm dừng tại đây và viết ra bạn nhé.

Chính bản thân chúng ta cũng có những khuyết điểm nhưng cũng có những điều tốt đẹp vậy thì tại sao mình lại không cho người khác được nhìn nhận đúng đắn phải không bạn?

Thứ hai, bạn có hiểu được nguyên nhân của anh ấy khi luôn thích thể hiện bên ngoài nhưng về nhà lại khó chịu?

Một người thích thể hiện, phóng khoáng bên ngoài, ham vui, về nhà thì khó chịu thực ra chỉ đơn giản anh ấy thấy vui khi ở ngoài. Còn về nhà, họ thấy chẳng vui tí nào. Vậy tại sao ở ngoài lại vui, ở nhà thì không?

Khi anh ấy tiêu tiền, vui chơi với bạn bè chắc chắn anh ấy sẽ được mọi người công nhận, ghi nhận. Có thể họ khen anh ấy vui tính, có tiền, hài hước,… Cho dù đó là lời thật hay không thì anh ấy cũng đang được ghi nhận và cảm thấy có giá trị khi ở bên ngoài kia. Và có ai mà không thích ở nơi mà mình thấy có giá trị, được ghi nhận, vui vẻ chứ.

Còn về nhà thì sao? Có khi nào những người trong gia đình như bố mẹ, vợ, con ghi nhận anh ấy không? Hay chỉ toàn những lời chê bai, chỉ trích? Hoặc ngày xưa khi anh ấy làm được vài điều tốt, mình chỉ coi đó là điều đương nhiên của một người chồng?

Một người về nhà mà cảm thấy tủi khổ, mình không có giá trị như vậy thì họ chỉ thấy buồn khổ. Mà khi đã buồn khổ trong mình thì họ sẽ đưa một phần sự buồn khổ cho người khác như là anh ấy sẽ mắng con, chửi bới,… Nếu một người hạnh phúc, họ chẳng bực tức làm gì, họ sẽ gửi hạnh phúc cho những người gần mình. Vậy thực ra, anh ấy đang rất khổ, rất buồn. Bạn có nhìn thấy không?

Thứ ba, bạn có đang là người hạnh phúc, bình an không?

Bây giờ chúng ta quay về chính bản thân mình. Bạn hãy thử kiếm một cái gương và nhìn thật kỹ vào đó ít nhất 5 phút. Bạn thấy điều gì? Bạn có đang tỏa ra niềm vui không hay đang tỏa ra sự tiêu cực, khó chịu. Bạn còn cười nhiều nữa không? Gia đình mình còn cười nhiều nữa không?

Đôi khi mình mải hướng ra bên ngoài quá mà quên mất rằng chính bản thân mình cũng đang khó chịu, mặt cũng đang nhăn nhó không kém. Mình cũng đâu hạnh phúc để có thể cười với một người đang giận dữ, ôm họ khi thấy được sau sự tức giận là một con người đang đau khổ.

Thay đổi người khác thì quá khó thôi thì quay về thay đổi mình trước sẽ khả thi hơn đúng không bạn? Mình có thể tự ghi nhận mình, yêu thương mình, khiến mình trở thành một người hạnh phúc, hay cười, dễ thương xem. Những đứa con của mình sẽ được hưởng đầu tiên.

Hãy để những đứa con bé bỏng, ngây thơ của mình nhìn thấy mẹ chúng hạnh phúc và sống tuyệt vời như thế nào. Và rồi biết đâu, khi bạn đã hạnh phúc, bạn có thể ghi nhận và giúp chồng mình cũng nhìn thấy vẻ đẹp mà anh ấy đã và đang có, trở nên hạnh phúc hơn chứ không đau khổ như bây giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.