(GD&TĐ) - Xây dựng nông thôn mới phải nhanh chóng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, làm lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội; Thực hiện "ly nông bất ly hương" bằng cách chuyển dịch cơ cấu nghề và đào tạo nghề, quan tâm đúng mức đến giáo dục ở các cấp học để các em học sinh, sinh viên sau khi ra trường quay trở lại cống hiến cho chính quê mình.
|
Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc. |
Từ khi thực hiện Đề án cho đến nay, xã Tân Thịnh đã có một bộ mặt nông thôn mới: 100% các thôn có điện lưới quốc gia, có điểm bưu điện văn hóa, có đường truyền internet tốc độ cao; thu nhập bình quân/ đầu người cao hơn 1,38 lần mức trung bình của tỉnh Bắc Giang, tỉ lệ hộ nghèo được rút xuống chỉ còn 5,26%; xã đã xây dựng 100% trường học ở các cấp đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia... Cho đến nay, HTX ở đây hoạt động hiệu quả, đồng thời Tân Thịnh đã xây dựng được hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, tình hình An ninh Chính trị, Trật tự an toàn xã hội trong nhiều năm liền được giữ vững.
Đi sâu về giáo dục các cấp ở đây, báo cáo nêu rõ: Cấp mầm non, 100% trẻ được ăn bán trú cũng như được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ; tỷ lệ suy dinh dưỡng chỉ còn 4,3 %. Trường tiểu học ở đây luôn đứng đầu trong các phong trào thi đua cấp huyện, năm học vừa qua đã có 2 em đạt giải quốc gia, 01 em đạt giải nhất cuộc thi giải toán trên máy tính Casino toàn quốc. Ở hai cấp học tiểu học và THCS, trong năm học vừa qua cũng đã có trên 170 em đạt giải cấp huyện và tỉnh...
|
Thăm trường Mầm non |
Tân Thịnh đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia và nhà ở công vụ cho giáo viên. Đầu tư cơ bản các trang thiết bị dạy học thiết yếu. 100% cán bộ quản lý và giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục và giảng dạy.
Tuy nhiên, với 19 tiêu chí đề ra, việc xây dựng mô hình nông thôn mới ở Tân Thịnh cũng còn nhiều tồn tại, thách thức không nhỏ. Nhất là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn tìm ra các mô hình kinh tế phù hợp với địa phương để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Để Đề án và hoàn thành các mục tiêu trong thời gian tới, nhiều ý kiến đóng góp được đưa ra. Để đưa tốc độ phát triển kinh tế của Tân Thịnh lên trên 15% hàng năm, cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; muốn được như vậy phải tìm ra được các mô hình cây trồng vật nuôi có hiệu quả với địa phương, phải định hướng được hướng phát triển của cơ cấu chuyển đổi nghề để đào tạo con em đồng thời đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất và vốn cho các hộ sản xuất kinh doanh ở đây phát triển.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận yêu cầu các cấp chính quyền địa phương nơi đây: để hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công Tân Thịnh trở thành một xã điển hình nông thôn mới, trong thời gian tới phải công khai dân chủ, lấy ý kiến đóng góp của người dân là chính trong việc lựa chọn danh mục các dự án đầu tư và xây dựng, triển khai các mô hình nuôi trồng cây, con có hiệu quả kinh tế vượt trội. Có như vậy thì lợi ích lâu dài của người dân mới được đảm bảo và phát huy hiệu quả vốn đầu tư của Đề án.
Đồng chí nhấn mạnh: nhanh chóng xây dựng nông thôn mới nhưng phải lấy phương châm ly nông bất ly hương. bằng cách giáo dục đào tạo nơi đây phải đi vào thực chất để con em trong xã phải học giỏi, đỗ vào các trường chuyên nghiệp, quay về phục vụ quê hương, tạo nguồn cho việc quy hoạch, đào tạo mới các vị trí cán bộ còn yếu và thiếu để đội ngũ cán bộ nơi đây mạnh vững vàng về chính trị, mạnh về làm kinh tế và tinh về công tác chuyên môn.
|
tặng quà cho trường học mầm non, tiểu học và THCS xã Tân Thịnh |
Cuối buổi làm việc, Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận đã tặng quà cho trường học mầm non, tiểu học và THCS tại địa phương.
Bá Hải