Phải làm bằng tư tưởng dám nghĩ dám làm

Phải làm bằng tư tưởng dám nghĩ dám làm

(GD&TĐ) - Để công tác nâng chất lượng GDĐH thật sự có hiệu quả, chúng ta cần phải làm tốt 6 nhiệm vụ lớn hiện nay tại các trường: Công tác tuyển sinh, công tác thiết kế chương trình đào tạo, công tác giảng dạy, công tác nghiên cứu khoa học, công tác liên kết đào tạo, công tác hướng dẫn tham quan thực tập và công tác hướng nghiệp và rèn luyện kỹ năng mềm.

1. Về công tác tuyển sinh

Các trường cần cho các thí sinh trúng tuyển làm một số trắc nghiệm nghề trước khi làm thủ tục nhập học. Vì như thế các em sẽ xác định được các tố chất của mình có phù hợp nghề hay không và có tâm thế ổn định trước áp lực nghề mà các em sẽ trải qua trong thời gian học tập sắp tới. Cách làm này có thể gây tốn thời gian và đôi khi cho một kết quả buồn nhưng bù lại sẽ cho ta một lớp sinh viên thật sự hứng thú và yêu nghề, tâm huyết với ngành nghề đã chọn. Và như vậy chất lượng đào tạo sẽ đáp ứng tốt hơn. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền về các ngành nghề đào tạo đến cho phụ huynh, học sinh thông qua việc giới thiệu về những cựu sinh viên- doanh nhân thành đạt của khoa, trường là việc nên làm. Việc trên sẽ tạo hiệu ứng đô-mi-no hứng thú chọn nghề từ ông bà đến cha mẹ và con cháu. Cách làm này tuy tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao và thực sự mang ý nghĩa to lớn trong việc thay đổi nhận thức của xã hội về các ngành nghề mà khoa đào tạo.

2. Về công tác thiết kế chương trình đào tạo và công tác giảng dạy

Công tác giảng dạy hiện nay còn khá nhiều bất cập. Chính vì vậy cần phải tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao tay nghề bằng các chương trình tự đào tạo tại Doanh nghiệp (có minh chứng- có hưởng lương cao hơn đi dạy học), huấn luyện dạy kỹ năng thực hành nghề (có chứng chỉ-có thực nghiệm) hoặc tổ chức thi nâng bậc dạy nghề cho giáo viên tại trường (hưởng theo bậc nghề). Bên cạnh đó, nhà trường phải tăng cường đầu tư xưởng thực hành để sinh viên có điều kiện tiếp cận với thiết bị an toàn lao động và kỹ thuật công nghệ. Bắt buộc sinh viên tham gia các chương trình đào tạo tại doanh nghiệp, mỗi sinh viên phải có quá trình tự thực tập tại Doanh nghiệp 1 tháng/ 1 năm học (có chứng nhận-đánh giá của doanh nghiệp). Có như vậy sinh viên mới tiếp cận với các doanh nghiệp, phát triển kiến thức, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc độc lập và rèn luyện các kỹ năng mềm khác.

3. Công tác nghiên cứu khoa học

Đây được xem là điểm yếu nhất và hạn chế nhất của các trường ĐH, CĐ hiện nay. Do đó, để nâng cao chất lượng GDĐH và công tác nghiên cứu khoa học không cách nào khác là các trường phải đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giảng viên. Song song đó, phải tích cực tìm nguồn vốn để xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên. Mặt khác các trường ĐH cần phải tích cực và chủ động hơn trong việc liên kết, bắt tay với doanh nghiệp để có các quỹ, nguồn vốn hỗ trợ hoặc phương thức thanh toán hợp lý hơn với các khoản kinh phí nhỏ lẻ.

Cần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo
Cần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo

4. Công tác liên kết đào tạo

Đây là một kênh rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Chính vì thế các trường nên chủ động lập kế hoạch và cho phép các khoa, tổ bộ môn trực tiếp làm việc với doanh nghiệp để mở các lớp học ngắn hạn theo hình thức chuyển giao công nghệ và chia sẻ lợi ích (đóng lệ phí tượng trưng cho trường). Mặt khác, cho phép sinh viên của một số khoa đặc thù được học tập theo hình thức bán thời gian tại doanh nghiệp một khoảng thời gian nhất định. Quá trình đào tạo tại doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp tổ chức, quản lý, đánh giá. Học phí của sinh viên được chuyển thẳng cho doanh nghiệp tự cân đối thu chi. Công việc này sẽ giúp cho các trường không quá tốn kém trong đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho công tác đào tạo. Doanh nghiệp nhân cơ hội này sẽ triển khai đào tạo và tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu xã hội hơn.

5. Công tác hướng dẫn tham quan, thực tập

Công tác này hiện nay ở các trường vẫn còn khá hạn chế do phần lớn giảng viên đều tỏ ra khá bận rộn. Sinh viên thì không ý thức hết tầm quan trọng của các đợt thực tập. Doanh nghiệp thì không có bộ phận chuyên hướng dẫn chuyên môn thực tập cho sinh viên. Chính vì thế để nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng học tập và nghiên cứu của sinh viên, mỗi khoa nên có một nhóm giáo viên phụ trách công tác hướng dẫn thực tập cho sinh viên. Kinh phí hướng dẫn thực tập cho các doanh nghiệp cần được tăng lên mà nguồn tiền nên do nhà trường trả hoặc hỗ trợ sinh viên.Có như vậy sinh viên mới cảm thấy yên tâm, tạo điều kiện an tâm học tập và chắc chắn chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao.

6. Công tác hướng nghiệp và rèn luyện kỹ năng mềm

Nên được xem là một nhiệm vụ và một công tác bắt buộc cần phải có trong các trường ĐH hiện nay. Bởi thực tế sinh viên của chúng ta hiện nay quá yếu về các kỹ năng thực hành chuyên môn và kỹ năng sống. Vì vậy, cần phải tạo điều kiện cho sinh viên thể hiện mình nhiều hơn thông qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực hóa người học của giáo viên và quá trình thực tập nhiều hơn tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải gia tăng mối liên hệ giữa sinh viên và cố vấn học tập. Nên có quy chế phù hợp hơn để cố vấn học tập có điều kiện gần gũi hơn với sinh viên trong tư vấn nghề, hoạch định kế hoạch cá nhân và chia sẻ các kỹ năng sống.

Sáu yếu tố trên ảnh hưởng và đóng vai trò rất lớn trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng GDĐH hiện nay. Chính vì thế, chúng ta cần phải chỉnh lý và bổ sung các môn học (nội dung) ở một số điểm: Vai trò, vị trí của môn học; mục tiêu mà môn học cần hướng tới, đồng thời khung chương trình cũng phải xây dựng cho phù hợp; Phương pháp giảng dạy cần phải cải tiến, ứng dụng những phương pháp mới vào giảng dạy, đồng thời cần tăng cường và tích cực các hoạt động chuyên môn, lựa chọn và phối hợp các phương pháp giảng dạy một cách hài hòa, khoa học. Về phương tiện và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ việc giảng dạy, các trường cần phải xây dựng một chiến lược chung, đặc biệt là trang thiết bị cho các trường đào tạo kỹ thuật. Tuy nhiên, việc đầu tư này phải là đầu tư có trọng điểm, đồng bộ, tránh rải rác, vụn vặt. Công tác bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên là điều bắt buộc phải làm và làm thường xuyên. Tuy vậy, các trường cần nhấn mạnh đến các mặt: kiến thức và kỹ năng chuyên môn, có kế hoạch bồi dưỡng dài hạn, ngắn hạn trong và ngoài nước, kỹ năng khai thác tài liệu, nghiệp vụ sư phạm và khả năng sử dụng cũng như khai thác các phương tiện, trang thiết bị tiên tiến hiện đại. Trong đó, nên khuyến khích giáo viên tích cực chủ động xây dựng nội dung bài giảng, các kiểu bài tập, bài kiểm tra- đánh giá trên cơ sở, trang thiết bị hiện có. Đổi mới và nâng cao chất lượng GDĐH là một nhiệm vụ lâu dài và bền bỉ. Ngoài những chủ trương, đường lối đúng đắn của Bộ GD-ĐT, Đảng và Nhà nước, thì sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đang cần sự đóng góp, chung tay từ nhiều phía, từ toàn xã hội với mọi ý chí và những quyết tâm. Chính vì thế, để nâng cao chất lượng GDĐH không cách nào khác là chúng ta phải mạnh dạn thực hiện đổi mới theo hướng: dám nghĩ và dám làm.

Thạc sĩ Vũ Minh Hạnh

(Trưởng khoa công nghệ May và Thời trang Trường ĐH SPKT TP.HCM)

Anh Nguyễn (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ