Phải chính xác, đầy đủ

GD&TĐ - Mọi tài sản phải được kê khai một cách trung thực để từ đó hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập chính xác, đầy đủ, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Một trong những mục tiêu của Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập vừa được Thủ tướng phê duyệt là hệ thống, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn; cung cấp chính xác, đầy đủ về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản; góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Thực tế, việc kê khai tài sản vẫn còn khá nhiều bất cập dù hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng như công tác quản lý, kiểm soát sự minh bạch trong kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai đã khá đầy đủ.

Ví dụ Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Nếu kê khai không trung thực, cán bộ có thể bị kỷ luật cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...

Quy định là vậy, nhưng trong quá trình thực hiện, tính xác thực của các bản kê khai cũng như tính trung thực của người kê khai vẫn rất khó kiểm soát. Các công cụ, biện pháp xác minh liên thông đồng bộ giữa các cơ quan chức năng cũng còn thiếu.

Có thể vì những lý do này nên mới dẫn đến chuyện 9 tháng của năm 2021 chỉ có 1 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực trong số 13.595/542.111 người đã kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ được xác minh.

Con số này, dù không muốn nhưng không thể không hoài nghi bởi thời gian qua, có không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít cán bộ, quan chức cao cấp bị xử lý kỷ luật, thậm chí đưa ra xét xử với nhiều tài sản bị kê biên thì sự trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập như thế nào?

Chắc chắn một điều rằng, nếu trung thực kê khai tài sản, minh bạch thu nhập thì sẽ không có việc trong hàng vài trăm nghìn bản kê khai, chỉ có 1 người không trung thực. Và như vậy, cũng đồng nghĩa với việc trước khi bị phanh phui đưa ra ánh sáng, những cán bộ, công chức này hàng năm đều có bản kê khai tài sản “hoàn hảo”, rằng không có gì bất minh, bất thường về tài sản.

Bởi vậy điều quan trọng ở đây là phải hạn chế đến mức tối đa, tiến tới “triệt tiêu” sự gian dối, thiếu trung thực của những người trong diện phải kê khai tài sản. Để làm được điều này, ngoài trách nhiệm nêu gương; sự trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, chống kê khai hình thức, kê khai theo kiểu cho có, cho đủ thủ tục của mỗi cán bộ, đảng viên, các cơ quan chức năng cần có giải pháp, biện pháp phù hợp để kiểm soát.

Đặc biệt cần có giải pháp phối hợp, liên thông giữa các cơ quan trong khâu xác minh và có các biện pháp xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những người kê khai không trung thực cũng như với các tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc.

Làm giàu là nhu cầu chính đáng của không chỉ cán bộ, đảng viên. Pháp luật cũng không cấm cán bộ, đảng viên giàu. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là phải làm giàu chân chính, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chứ không phải là lợi dụng quyền lực, chức tước hoặc chạy theo danh - lợi để làm giàu cho bản thân, cho gia đình...

Bên cạnh đó, mọi tài sản phải được kê khai một cách trung thực để từ đó hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập chính xác, đầy đủ, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.