Phải can đảm nhìn thẳng vào số thí sinh đủ năng lực học ĐH

Phải can đảm nhìn thẳng vào số thí sinh đủ năng lực học ĐH

(GD&TĐ) - Trường ĐH Quốc tế Việt - Đức  được giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh theo tiêu chuẩn Đức. Thế nhưng, khi nói về điểm sàn, TS Hà Thúc Viên - Hiệu phó  vẫn khẳng định: Điểm sàn nên được tính là năng lực tối thiểu của học sinh để học ĐH. Trường hoàn toàn có thể hạ tiêu chuẩn điểm xuống vài điểm và nhận thêm sinh viên nhưng như vậy thì không chắc bảo đảm được chất lượng đầu vào. 

Phải can đảm nhìn thẳng vào số thí sinh đủ năng lực học ĐH ảnh 1
TS Hà Thúc Viên

Quy định điểm sàn là cần thiết đối với các ĐH nói chung, chứ không phải là một vài ĐH đặc biệt. Vì nếu không có điểm sàn, các trường ĐH có thể tuyển sinh bất chấp chất lượng. Vấn đề đặt ra là các môn thi chung có phù hợp với ngành cần tuyển không (ví dụ, môn Hóa, môn Lý trong Khối A để tuyển sinh viên khối ngành kinh tế). Nếu bỏ qua vấn đề đó, thì điểm sàn phải được tính dựa trên cơ sở đảm bảo cho sinh viên có đủ năng lực để theo học một ngành học (chuyên ngành) ở bậc ĐH. 

Trường Đại học Việt - Đức là trường ĐH công lập của Việt Nam, là trường đầu tiên được thành lập trong dự án xây dựng ĐH xuất sắc của Chính phủ trên cơ sở hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và CHLB Đức.  Quy chế Tổ chức và Hoạt động của trường được ban hành theo Quyết định 380/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy chế này, Trường Đại học Việt Đức xây dựng theo định hướng đề cao nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo, nghiên cứu, gắn nghiên cứu với đào tạo và tự do học thuật như đối với các trường đại học của Đức và phù hợp với pháp luật của Việt Nam. Trường được giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh theo tiêu chuẩn Đức.

Thực tế qua các năm vừa qua, bài thi của thí sinh theo đề thi tuyển sinh riêng của ĐH Việt - Đức đã phản ánh rất tốt năng lực của thí sinh. Các thí sinh vượt qua bài kiểm tra này (do một viện khảo thí Đức soạn, các câu hỏi đều bằng tiếng Anh) phần lớn đều là học sinh các trường chuyên và các trường đứng đầu TPHCM và các thành phố khác phía Nam. Năm nào cũng có những học sinh không vượt qua được bài kiểm tra riêng của ĐH Việt - Đức ( tổ chức vào tháng 6) nhưng sau đó thi ĐH vẫn đạt trên 21 điểm (không nhân hệ số) và đủ điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển lần nữa vào trường.

Xác định năng lực đầu vào của sinh viên thông qua điểm sàn vẫn là phương án tối ưu
Xác định năng lực đầu vào của sinh viên thông qua điểm sàn vẫn là phương án tối ưu

Vấn đề cần đặt ra ở đây không phải là kiểm tra thế nào để đủ nguồn tuyển, mà phải là kiểm tra thế nào để đảm bảo chất lượng đầu vào. Nếu căn cứ vào điểm thi đại học, ĐH Việt - Đức không nhận sinh viên thi dưới 21 điểm (cho 3 môn khối A chẳng hạn) và đó có thể xem là tiêu chuẩn đầu vào của trường. Trường hoàn toàn có thể hạ tiêu chuẩn điểm đó xuống vài điểm (mà vẫn còn trên điểm sàn rất xa vì điểm sàn chỉ ở mức 13-14 điểm) và nhận thêm sinh viên, nhưng như vậy thì không chắc bảo đảm được chất lượng đầu vào. Do đó, theo tôi, điểm sàn nên được tính là năng lực tối thiểu của học sinh để học ĐH. Nếu chỉ tính điểm sàn dựa trên việc để cho các trường có nguồn tuyển thì chẳng lẽ đến một lúc nào đó một học sinh thi 3 môn được 3 điểm cũng có thể học ĐH sao? Điều đó là bất hợp lý và không khả thi nên theo tôi không thể hạ điểm sàn.

Chúng ta chỉ nên xem điểm sàn là mức điểm (năng lực) tối thiểu của học sinh cần phải có để bước vào ngưỡng cửa ĐH. Trước khi ra đề thi, những người soạn đề cần biết với đề thi như vậy thì tối thiểu phải đạt bao nhiêu điểm thì mới có đủ năng lực. Ví dụ là 5 điểm thì trung bình 3 môn phải là 15 điểm. Và điểm sàn có thể được công bố trước khi thi (tất nhiên là sau khi đề thi đã được soạn), bất kể có bao nhiêu học sinh thi và được bao nhiêu điểm. Nếu có 1 triệu thí sinh thi và chỉ có 50.000 thí sinh trên điểm tối thiểu đó (15 điểm), thì chúng ta phải thừa nhận rằng chỉ có 50.000 học sinh đủ năng lực học ĐH và chấn chỉnh lại giáo dục bậc THPT. Chất lượng đầu vào bậc ĐH hiện nay có biểu hiện đã sút giảm so với 10, 20 năm trước đây. Do đó, chúng ta không thể dễ dãi hơn được nữa.

TS Hà Thúc Viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ