Phá rào phong tỏa

GD&TĐ - So với cuộc chiến kéo dài tới 2 tháng đầy cam go của Thượng Hải mới có thể dỡ bỏ phong tỏa thì Bắc Kinh chỉ mất khoảng 40 ngày để dập dịch và nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một trong những “pháo đài chống dịch” quy mô lớn cuối cùng trên thế giới còn đang duy trì là thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đang phá bỏ những hàng rào cách ly chống Covid-19 và bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường từ rạng sáng ngày 1/6 sau 2 tháng phong tỏa.

Từ tối 31/5, nhiều người tại thành phố 25 triệu dân này cũng đã được phép ra khỏi nhà để đi dạo, tụ tập bạn bè trên những con phố vì thành phố lớn nhất Trung Quốc này được tuyên bố đã khống chế được Covid-19. Trong suốt 2 tháng qua, trung tâm tài chính quốc tế của Trung Quốc và thế giới đã trải qua tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng thấy.

Biện pháp phong tỏa để đạt được mục tiêu “Zero-Covid” bằng mọi giá mà Trung Quốc tiếp tục duy trì đã khiến cuộc sống của người dân ở Thượng Hải bị đảo lộn. Bối cảnh này cũng kéo theo chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và thế giới bị ảnh hưởng. Nhưng bắt đầu từ ngày 1/6, những tờ giấy thông hành của người dân Thượng Hải sẽ bị loại bỏ và giao thông công cộng trở lại bình thường.

Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 chỉ áp dụng cho khoảng 22,5 triệu dân sống trong các khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp. Số còn lại sẽ tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế cho đến khi được xác định không còn virus Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Trong ngày 30/5, Thượng Hải chỉ còn 31 ca mắc mới và ghi nhận giảm liên tục trong những ngày qua. Đây là cơ sở để thành phố quyết định phá rào phong tỏa.

Tuy nhiên, việc bỏ phong tỏa không có nghĩa cuộc sống tại Thượng Hải sẽ trở lại hoàn toàn như trước Covid-19 bùng phát. Theo đó, những người làm trong các ngành tiếp xúc nhiều với khách hàng như nhân viên ngân hàng hay cung cấp dịch vụ sẽ được yêu cầu mặc quần áo bảo hộ khi quay lại làm việc.

Thậm chí nhiều người còn phải dự phòng đồ đạc cá nhân, vì có thể bị đưa đi cách ly bất cứ lúc nào nếu vô tình tiếp xúc gần với người mang virus.

Trong khi đó, diễn biến dịch tại Bắc Kinh cũng theo đà giảm mạnh như Thượng Hải và dần thoát khỏi bóng đen dịch bệnh để trở lại tình trạng “Zero- Covid”. Theo các chuyên gia dịch tễ Trung Quốc, diễn biến chống dịch tại Thượng Hải đã giúp Bắc Kinh có nhiều bài học thực tiễn để đối phó với đợt lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng nhất từ đầu dịch.

So với cuộc chiến kéo dài tới 2 tháng đầy cam go của Thượng Hải mới có thể dỡ bỏ phong tỏa thì Bắc Kinh chỉ mất khoảng 40 ngày để dập dịch và nới lỏng các biện pháp hạn chế. Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt được coi là chìa khóa để Bắc Kinh ngăn dịch sớm.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc cũng đã hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ việc hai thành phố lớn nhất cả nước là Thượng Hải và Bắc Kinh bị bùng dịch trong thời gian qua. Ngày 31/5, nước này đã công bố gói 33 biện pháp bao gồm các chính sách tài khóa, tài chính, đầu tư và công nghiệp nhằm hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Trong khi đó, với việc Trung Quốc vẫn kiên định theo đuổi chính sách “Zero-Covid” và biến chủng của virus như Omicron ngày càng nguy hiểm và phức tạp, thì tình trạng tái phong tỏa tại các thành phố lớn của nước này vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, ảnh hưởng của Covid-19 đối với Trung Quốc vẫn khó đoán định một khi chính sách chống dịch vẫn được duy trì như hơn 2 năm qua. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao phần thưởng cho tập thể tham gia tích cực nhất trong Cuộc thi trình bày và sáng tác poster chủ đề "Trẻ em gái làm chủ tương lai".

Trẻ em gái làm chủ tương lai

GD&TĐ - Ngày 12/10, hơn 300 CBQL, giáo viên, học sinh, đại diện cơ quan của Liên Hợp Quốc tham gia sự kiện truyền thông “Trẻ em gái làm chủ tương lai”.