Phá đường dây sản xuất dầu nhớt giả quy mô lớn ở TPHCM

GD&TĐ - Công an TPHCM đang tạm giữ hình sự các đối tượng Nguyễn Thái Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Tuấn Phát, địa chỉ tại quận Bình Tân), Nguyễn Mậu Hiếu (ngụ huyện Bình Chánh) và Nguyễn Ngọc Tới (ngụ quận Bình Tân) để điều tra về hành vi sản xuất dầu nhớt giả.

Ảnh minh họa (internet)
Ảnh minh họa (internet)

Trước đó, ngày 6/6, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM bắt quả tang Nguyễn Mậu Hiếu đang chở 30 thùng nhớt giả (loại 24 bình/thùng) chuẩn bị giao cho nhà xe chuyển về Sóc Trăng.

Tại cơ quan công an, Hiếu khai cùng một số đối tượng tham gia đường dây làm dầu nhớt giả một số nhãn hiệu nổi tiếng do Ngọc tổ chức từ đầu năm 2019 với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Ngọc chỉ đạo Hiếu thu mua các vỏ bình dầu nhớt loại 1 lít và 800 ml tại một số điểm sửa chữa xe máy.

Sau khi gom vỏ bình, Hiếu cho người vệ sinh rồi rót dầu nhớt giả vào các vỏ bình, đóng dập nắp mới, đóng thùng rồi dán băng keo để giao bán cho khách hàng. Toàn bộ dầu nhớt nguyên liệu, nắp, băng keo, thùng giấy... đều do Ngọc cung cấp.

Từ lời khai của Hiếu, cơ quan điều tra thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp gần 10 địa điểm là kho hàng, điểm tiêu thụ của đường dây sản xuất, mua bán dầu nhớt giả này tại các quận, huyện: Quận 10, Tân Bình, Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn... phát hiện, thu giữ thêm 148 thùng dầu nhớt loại 18 lít/thùng và 30 lít/thùng, 816 chai dầu nhớt loại 1 lít và 800 ml, cùng lượng lớn vỏ bình, can nhựa, tem nhãn, máy móc dùng để sản xuất dầu nhớt giả.

Bị bắt quả tang cùng 50 thùng dầu nhớt giả loại 18 lít tại kho ở quận Bình Tân, đối tượng Nguyễn Ngọc Tới khai được Ngọc thuê sản xuất dầu nhớt giả với tiền công khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, tại cơ quan công an, Nguyễn Thái Ngọc không thừa nhận chỉ đạo đường dây sản xuất dầu nhớt giả, mà khai số dầu nhớt giả bị công an bắt giữ ngày 6/6 là mua của Hiếu, bán lại cho người khác để hưởng lợi.

Hiện, vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.