Phá đường dây làm giả tem, giấy kiểm định phương tiện đường bộ

GD&TĐ -   Một đường dây làm giả tem, giấy kiểm định phương tiện đường bộ quy mô “khủng” vừa bị Công an TPHCM triệt phá.

Ngày 9/6, Công an TPHCM cho biết, vừa triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức quy mô lớn, trong đó các đối tượng làm giả cả giấy đăng ký phương tiện giao thông, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định phương tiện giao thông đường bộ...

Đường dây “khủng”

Liên quan đến vụ án, Công an đã bắt giữ 12 đối tượng gồm Trần Tiến Thành (tên khác là “Tín”, SN 1988, HKTT TP.Thủ Đức), Trần Tiến Đạt (SN 1995, ngụ quận Bình Thạnh, em ruột Thành), Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1985, ngụ TP.Thủ Đức, bạn gái Thành), Lương Triều Vỹ (SN 2001), Nguyễn Minh Hải (SN 1992, cùng HKTT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), Lưu Trường Giang (SN 2002, HKTT TP.Thủ Đức), Bùi Phạm Yến Nhi (SN 1997, tạm trú TP.Thủ Đức), Bùi Thị Ngọc Hiếu (SN 1996, HKTT tỉnh Tiền Giang, tạm trú TP.Thủ Đức), Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1992, HKTT tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Văn Quyết (SN 1994), Nguyễn Văn Hưng (SN 1996) và Ngô Văn Tùng (SN 1996, cùng HKTT TP.Hải Phòng, tạm trú quận Bình Thạnh).

Các đối tượng bị bắt để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Ngoài ra, Công an còn bắt giữ Lê Thị Duyên (SN 1996; HKTT Quận 12) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Thành.

Đối tượng Thành.

Trước đó, khoảng 15h30 ngày 29/5, trước cổng một chung cư trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP.Thủ Đức cảnh sát đã bắt giữ Vỹ, thu 1 thùng tài liệu nghi giả.

Tại căn nhà trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh, cảnh sát đã phát hiện Hưng đang cất giấu 1 thùng tài liệu nghi giả. Từ lời khai của Hưng, Vỹ, cảnh sát đã bắt giữ thêm hàng chục đối tượng khác.

Khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu hơn 450 giấy tờ các loại, trong đó có CCCD, bằng cấp các loại, chứng chỉ đào tạo, hành nghề, giấy phép lái xe mô tô, ô tô, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa, giấy đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, tài liệu là phiếu lý lịch tư pháp, giấy ra viện, phiếu kết quả học tập, giấy khai sinh, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Các đối tượng bị bắt giữ.

Các đối tượng bị bắt giữ.

Tang vật công an thu được.

Tang vật công an thu được.

Ngoài ra, công an còn thu giữ 200 phôi giấy phép lái xe; hơn 20 con dấu tròn, vuông, dập nổi, dập chìm; hơn 10 thiết bị trong đó có máy ép nhựa, máy vi tính, bàn cắt giấy, máy in... và nhiều tài liệu, tang vật khác có liên quan.

Bước đầu, cảnh sát xác định, Thành lên mạng mua bằng lái xe giả và thấy việc làm giả có lợi nhuận nên nảy sinh ý định làm giả các tài liệu để bán kiếm tiền.

Khoảng tháng 12/2022, Thành cùng Đạt thuê căn hộ chung cư trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức làm nơi cất giữ và đóng gói giấy tờ giả; thuê nhà trên đường 79, phường Phước Long B làm nơi sản xuất giấy tờ giả.

Thành mua các thiết bị phục vụ cho việc làm giả giấy tờ như: máy tính, máy in, máy ép nhựa, máy photocoppy...; thuê Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lương Triều Vỹ, Lưu Trường Giang, Bùi Phạm Yến Nhi, Bùi Thị Ngọc Hiếu phụ giúp Thành trong việc làm giả giấy tờ, đóng gói, giao nhận giấy tờ giả.

Thành thỏa thuận và mua của người đàn ông (chưa rõ lai lịch) một bộ file chứa các thông tin, tài liệu như văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng kiểm, sổ tiết kiệm ngân hàng… với giá 15 triệu đồng, chuyển bộ file này cho Nhi lưu trong USB để sử dụng làm giấy tờ giả.

Để tìm kiếm khách hàng, Thành đăng tin nhận làm bằng cấp các loại trên mạng xã hội hoặc thông qua những người môi giới để nhận đặt “hàng” làm giấy tờ giả.

Khi “cò” chuyển thông tin về khách đặt làm giấy tờ giả qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Telegram…, Thành báo cho Nhi để Nhi dùng máy vi tính, lấy file văn bằng tương ứng, chỉnh sửa thông tin của khách hàng, rồi dùng máy in màu để in ra.

Bùi Thị Ngọc Hiếu phụ giúp Nhi photo các giấy tờ giả thành nhiều bản rồi đóng dấu công chứng giả, cho giấy tờ giả vào bao ni-lông...

Sau đó, Hiếu cùng Vỹ, Giang vận chuyển giấy tờ giả từ căn nhà trên đường 79 về căn hộ chung cư trên đường Đỗ Xuân Hợp và giao cho khách.

Công an TPHCM xác định, mỗi ngày Thành cùng đồng phạm làm giả khoảng 20 tài liệu các loại, mỗi tài liệu giả thu về số tiền giao động từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng.

Tính đến thời điểm bị phát hiện, Thành đã làm được khoảng 6 tháng, bình quân mỗi tháng làm khoảng 600 tài liệu giả các loại, thu lợi bất chính số tiền khoảng 720 triệu đồng đến 900 triệu đồng.

Cô gái nhận chạy án giá 1 tỷ đồng

Biết Thành bị công an triệu tập, Đạt đã liên hệ với Lê Thị Duyên để nhờ chạy án giúp cho nhóm của Thành. Đạt cung cấp thông tin về nhân thân lai lịch, hành vi phạm tội của nhóm Thành cho Duyên biết để nhờ tìm hiểu thông tin và tìm cách “giúp”.

Sau đó, Duyên yêu cầu Đạt chuẩn bị tiền mặt để “lo việc”, Đạt nói chỉ có thể chuẩn bị số tiền 300 triệu đồng. Duyên nói Đạt chuẩn bị thêm, sau nhiều lần trao đổi, Đạt nói chuẩn bị được 750 triệu đồng. Duyên nói số tiền này không đủ nên yêu cầu Đạt chuẩn bị thêm tiền cho đủ 1 tỷ đồng.

Đạt đồng ý nên nhờ Trà Thanh Hiếu mang số tiền 1 tỷ đồng đựng trong túi giấy, giao cho Phạm Đức Huy theo yêu cầu của Duyên tại cửa hàng trên đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh.

Sau khi nhận tiền, Huy chuyển vào tài khoản của Duyên số tiền 990 triệu đồng, còn 10 triệu đồng thì Duyên cho Huy. Duyên đã sử dụng tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ 205 triệu đồng.

Sau khi giao tiền, Đạt liên tục nhắn tin cho Duyên hỏi thăm tình hình. Duyên đã nhiều lần bịa đặt ra các lý do khác nhau để Đạt tin tưởng là Duyên đang giúp Đạt.

Đến tối 30/5/2023, sau khi bị Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM triệu tập làm việc thì Đạt đã khai báo việc đưa tiền cho Duyên như trên.

Hiện vụ việc vẫn đang được Công an TPHCM tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ