Phá cách… lạc điệu trong đêm nhạc Văn Cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau bao thập kỷ say trong tiếng hát bảng lảng của Thái Thanh, Lê Dung, Ánh Tuyết, Thanh Thúy… thì nay bỗng hụt hẫng bởi những giọng ca… lạc điệu.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Một không gian nghệ thuật sang trọng, khi đậm chất liêu trai, hư ảo lúc hào hùng, rộn ràng, tươi sáng. Một dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng cùng những giọng opera, thính phòng hòa tấu nên biết bao giai âm tuyệt đẹp.

Một kịch bản khá hợp lý, tâm huyết cùng niềm tri ân và tôn vinh những sáng tạo, cống hiến xuất sắc của nhạc sĩ Văn Cao cho nền nghệ thuật nước nhà mà gieo không ít cảm xúc lắng sâu…

Đó là những thành công của chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, được công chúng ghi nhận, dù thưởng thức tại Nhà hát Lớn Hà Nội hay qua truyền hình trực tiếp VTV1.

Nhưng, thật tiếc nuối khi những thành công ấy không thể phủ lấp được nỗi băn khoăn: Đâu phải không có ca sĩ tài năng, hợp giọng với dòng nhạc Văn Cao trình diễn để kéo công chúng thả hồn phiêu diêu theo “Đàn chim Việt”, “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Bến xuân”, “Trương Chi”… hay dặt dìu phơi phới niềm vui đón “ngày mới” với “Mùa Xuân đầu tiên”…?

Cũng bởi, sau biết bao thập kỷ say trong những tiếng hát bảng lảng, mê hoặc của Thái Thanh, Lê Dung, Ánh Tuyết, Thanh Thúy… thì nay bỗng hụt hẫng, khó chịu khi nghe các ca khúc ấy được cất lên bởi tiếng hát… lạc điệu của những ca sĩ mệnh danh là “diva” hiện nay.

Hệ quả của việc Ban tổ chức lựa chọn các giọng hát ấy hiện diện trên sân khấu đương nhiên sẽ là làn sóng phản ứng của công chúng, những người yêu và “sành” nhạc Văn Cao.

Trừ những ý kiến thái quá thì có rất nhiều ý kiến trên tinh thần xây dựng đáng để lắng nghe, tiếp thu chứ đừng đánh đồng rằng họ không cởi mở, bo bo giữ lối nghe cũ, không muốn đổi mới!

Thực ra, không phải những ca sĩ này hát không hay, không có nội lực mà chỉ là giọng hát của họ có thể xuất sắc ở dòng nhạc nào đó, song chưa phù hợp với các sáng tác của Văn Cao. Chất giọng và phong cách biểu diễn của họ chưa có được cái nhịp nhàng, uyển chuyển để liên tục trôi chảy, phiêu diêu, mê hoặc trong từng giai điệu, lời ca...

Không riêng gì họ mà có không ít ca sĩ cũng mắc phải điều đó vì chủ quan áp khả năng, sự nổi tiếng của mình ở dòng nhạc này cho những dòng nhạc khác, mặc nhiên cho rằng sẽ lại thành công.

Lẽ ra, trước tiên họ chỉ nên thử trong không gian riêng tư để trải nghiệm hoặc nếu có ý bước vào thì cần nghiêm túc nhìn lại thực lực và đầu tư cẩn trọng.

Sự phá cách hay đổi mới luôn cần với mỗi người hoạt động nghệ thuật mà nếu có thể nâng tầm cái cũ thì luôn được công chúng chào đón, ghi nhận rất công bằng. Như ca sĩ Tùng Dương từng xuất sắc giành giải “Bài hát của năm 2012” qua cổng bình chọn của khán giả khi thể hiện bản phối mới cho ca khúc “Chiếc khăn Piêu” mà nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ.

Nhưng để có được kết quả đó thì yếu tố đầu tiên cần xét đến luôn là sự phù hợp từ chất giọng đến phong cách biểu diễn của ca sĩ với ca khúc. Nó giống như người này diện bộ trang phục/làm công việc này thì đẹp/hiệu quả nhưng người khác lại không.

Vậy nên, đừng vì nóng ruột phá cách hay tự cho mình đặc quyền là người đã thành danh thì làm gì cũng thành công để vô tình gieo vào khán giả trẻ những thấu cảm sai lệch với tác phẩm nghệ thuật, nguy hại vô cùng!

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ