Chao ôi, mấy nay show diễn thời trang “The Art of Lychee” làm nức lòng bà con cô bác nông dân đấy, bác có biết không?
- Cái gì cơ? Bác nói gì thì nói tiếng Việt, chứ cứ nói tiếng Tây thế em chịu chết.
- Cái nhà bác này lạc hậu quá thể đáng. Thời đại nào rồi mà không sắm cho mình lấy đôi ba ngoại ngữ để hội nhập thế giới chứ? Mà cái cụm tiếng Tây kia có nghĩa đơn giản lắm, là chương trình biểu diễn thời trang có tên tạm dịch: “Nghệ thuật từ vải thiều”…
- Ờ thì em nhà quê, lười học, em phải chịu. Nhưng em biết rất rõ cái chương trình thời trang gì gì bác vừa dịch đấy nhé. Này là, nó diễn ra ở vườn vải Phù Thủy (Lục Ngạn, Bắc Giang).
Này là, hàng chục người mẫu trai gái lớn nhỏ nhún nhảy, rảo bước với đủ trang phục xẻ dọc xẻ ngang, hở trên hở dưới và ai cũng phải gắn với chùm vải: Trên mũ, dưới váy, trong làn, trong thúng…
Này là, dưới trời nắng nóng, mồ hôi mướt cả son phấn nhưng cánh chị em vẫn mắt tròn, mắt dẹt ngắm nhìn trai xinh, gái đẹp… Này là, giới truyền thông ngợi ca đây là chương trình độc lạ quảng bá hiệu quả cho thương hiệu vải Lục Ngạn… Sao, bác đã hài lòng với “ếch ngồi đáy giếng” như em chưa?
- Phải thêm tí tiếng Tây nữa cho nó oách, không lãng phí…
- Vâng, em tiếp thu. Nhưng bác ngợi ca cái gì ở cái “Nghệ thuật từ vải thiều” này cơ chứ? Em là không có ưng đâu nhé. Ý tưởng tạo sự kiện để thu hút du khách về trải nghiệm tại vườn, kích cầu ngành hàng, du lịch là rất đáng khích lệ nhưng cách làm thì dở tệ. Ai đời, về với nông thôn mà trang phục mát mắt, có khi đến phản cảm thế sao?
Bác đừng bảo em cổ hủ nhé. Cái lý của em là để hút khách thành phố, khách quốc tế, những người có điều kiện, đã quá quen với những váy vóc, quần áo thời thượng thì sao lại mang chúng về làng quê làm gì cơ chứ? Chẳng phải là tác dụng ngược hay sao?
Có thể, bà con cô bác nông dân thích thú vì lạ nhưng chỉ là thích váy áo chứ vải nhà họ còn đầy vườn, nhiều lúc còn phải giải cứu... Còn người thành phố, khách du lịch quốc tế nhìn đã thấy chán thì ai còn muốn trải nghiệm nữa. Đấy là chưa bàn tới chuyện khiên cưỡng đính quả vải lên váy, xách chùm vải trong tay cùng trang phục không hợp cảnh, hợp tình…
Em tiếc cho cái sự kiện này lắm. Giá mà, người tổ chức tinh tế hơn, đừng chạy theo những xô bồ showbiz mà để ý, nâng niu và đưa giá trị văn hóa truyền thống bản địa vào đây thì thật sự đáng khen ngợi và học tập chứ lị.
Khi đó, một mũi tên trúng dăm đích chứ chẳng phải là hai đích: Vừa quảng bá sản phẩm đặc sản vừa kích cầu nhu cầu khám phá văn hóa truyền thống vùng miền lại còn có tính bền vững nếu biết cách dẫn dụ du khách bước dần vào câu chuyện của địa phương mình…
Bác đừng bảo em lắm chuyện dạy khôn nhé. Đây là tấm lòng góp ý xây dựng của em với Bắc Giang nói riêng và với cả các miền quê có đặc sản khác những mong ngày càng có nhiều cách thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với văn hóa sao cho phù hợp, hiệu quả.
Chứ nếu cứ kiểu trình diễn như sự kiện vừa rồi, em không dám tưởng tượng tiếp nếu các địa phương có chôm chôm, sầu riêng, dưa hấu… cũng học tập, làm theo thì…!