Luôn trăn trở với các sản phẩm nông nghiệp
Sinh năm 1961, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Chế biến và Bảo quản thực phẩm Trường Đại học Cần Thơ (năm 1984), cô Nguyễn Minh Thủy được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Hiện cô là giảng viên cao cấp của nhà trường.
Chia sẻ về lý do gắn bó với các đề tài khoa học liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp, cô Thủy cho hay: Các sản phẩm nông nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long rất nhiều và phong phú nhưng cứ được mùa lại rớt giá vào mùa thu hoạch giá nông sản thường rất thấp, diện tích trồng tăng thêm dẫn đến cung vượt cầu. Vì vậy đã xảy ra tình trạng ứ đọng nguồn nông sản sau khi thu hoạch. Tình hình xuất khẩu nông sản cũng rất hạn chế, khiến đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn, đẩy người nông dân vào chỗ điêu đứng. Giá cả thị trường nông sản cũng rất khó đoán, trong khi hầu hết các nông sản thường khó bảo quản, dễ bị hư hỏng ở điều kiện nhiệt độ bình thường và làm thay đổi các giá trị chất lượng bên trong, tổn thất sau thu hoạch rất cao. Thiết nghĩ, giá trị tăng thêm của các sản phẩm nông nghiệp chỉ đạt một khi chúng được chuyển sang dạng sản phẩm chế biến với chất lượng cao và khả năng bảo quản lâu dài" - cô Thủy trao đổi.
"Từ thực tế trên, tôi trăn trở với suy nghĩ làm sao giải quyết có hiệu quả nguồn nguyên liệu này cho Đồng Bằng Sông Cửu Long và sau đó tiến dần ra cả nước. Vấn đề đặt ra thường xuyên trong suy nghĩ của tôi là phải có phương pháp bảo quản nguồn nguyên liệu này trước, giảm tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra phải tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu ở giai đoạn chín của chúng để chế biến các sản phẩm đa dạng cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người nông dân đối với nguồn nguyên liệu có giá trị này. Các biện pháp kỹ thuật mới được áp dụng trong quá trình sản xuất sẽ nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo tính hoàn chỉnh của việc khép kín mô hình sản xuất và phát triển chế biến sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu đặc sản sẵn có ở mỗi địa phương. Với các đề tài đã thực hiện trong vài năm gần đây, bản thân đã ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và đã mang lại kết quả khá cao" - Cô Thủy trao đổi.
Nghiên cứu gắn với thực tiễn của cuộc sống
Qua tìm hiểu được biết, cô Thủy không những giúp Công ty kinh doanh phát triển, tạo thương hiệu cho mặt hàng đặc sản của tỉnh nhà mà còn giúp tạo việc làm và tăng thu nhập cho phụ nữ dân tộc Măng Đen, Kon Plông, Kon tum, hiện các sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn và bán rộng rãi trên thị trường. Chia sẻ về vấn đề này cô Thủy cho biết: Trong bốn năm qua, cô đã chuyển giao Công nghệ sản xuất rượu vang từ trái sim rừng cho Công ty ESF (Đắk Lắk), đang sản xuất tại Kon Plông, Măng đen, Kontum. Hoạt động sản xuất rượu vang sim không chỉ mang lại lợi ích cho sản xuất kinh doanh thu được lợi nhuận mà đã thực sự mang lại lợi ích cho đồng bào dân tộc (đặc biệt là phụ nữ) vùng Kon Plông, Măng đen, Kontum, nơi mà kinh tế còn khó khăn và chưa phát triển.
Toàn huyện Kon Plông có khoảng 10.545 ha rừng, trong đó có khoảng trên dưới 700 ha rừng có cây sim. Sản lượng trái sim chín thu hoạch hàng năm khoảng trên dưới 30 tấn. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ du lịch, rượu sim trở thành đặc sản của địa phương, đồng thời mang lại lợi nhuận cho người thu hái (tận dụng nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm cho người địa phương, đặc biệt là phụ nữ – là nguồn nhàn rỗi ở địa phương), góp phần tiêu thụ một lượng lớn sim rừng và nâng cao giá trị kinh tế của loại trái này.
Hiện Công ty nâng dần quy mô sản xuất với chất lượng sản phẩm ổn định, cũng đồng nghĩa sẽ tiếp tục giúp cho đồng bào thiểu số tăng thêm thu nhập (đặc biệt là phụ nữ) từ hoạt động thu hoạch trái sim rừng cho sản xuất rượu vang sim ở địa phương này.
Trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cô Thủy trao đổi: Đây là vấn đề xã hội bức xúc và đang cần giải quyết vì sử dụng thực phẩm nhiễm bẩn, ngộ độc không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe.. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến du lịch, thương mại và an sinh xã hội.. Vấn đề then chốt là làm sao quản lý được chất lượng nguyên liệu vào, các phụ gia bổ sung trong bảo quản và chế biến, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
"Với suy nghĩ ấy, các nghiên cứu của tôi đã bắt đầu từ những hoạt động điều tra và phân tích các sản phẩm lưu hành trên thị trường (có khả năng sử dụng các chất hóa học không an toàn) và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chế biến sản phẩm sạch, an toàn, đồng thời mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng. Hàng loạt các nghiên cứu mới tập trung vào nguồn nông sản đặc thù của địa phương (hành tím, tỏi, gấc, khóm, linh chi, chôm chôm, thốt nốt, thanh trà, khoai lang, gạo, hạt sen, bí, khổ qua, mãng cầu, cam, bưởi, quýt, trái sim rừng, măng tre, các loại hoa, các loại thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm...) bằng việc kết hợp các công nghệ cổ truyền và áp dụng công nghệ cao vào tiến trình sản xuất. Tôi thiết nghĩ nông nghiệp mà không tiếp cận được với khoa học, với công nghệ cao thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững" - cô Thủy bộc bạch.
Cũng theo cô Thủy, các sản phẩm do nhóm nghiên cứu của cô luôn luôn theo tiêu chí “ngon, sạch, mang tính tự nhiên và khỏe mạnh”. Thực hiện tiêu chí đó, các sản phẩm chế biến dần ra đời với việc tận dụng nguồn nguyên liệu đặc sản của từng địa phương ở giai đoạn chín (không thể kéo dài việc buôn bán tươi trên thị trường). Kế hoạch thực hiện là “đa dạng hóa chuỗi sản phẩm bắt đầu từ một loại nguyên liệu” và cho đến nay chúng tôi đã cho ra đời hơn 60 công nghệ hoàn chỉnh từ các loại rau quả, thịt súc sản, gia cầm, thủy sản... với các công nghệ đa dạng như dạng sản phẩm tươi tiện dụng, dạng tồn trữ lạnh, bao bì dạng chai và lon đối với nước quả và đồ hộp sắt tây cho các loại sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản...
"Công việc nghiên cứu là không biên giới, trên cơ sở các quy trình đã hoàn chỉnh, chúng tôi lại quan tâm nhiều hơn đến các hợp chất sinh học quý có sẵn trong thực phẩm, hỗ trợ tốt cho sức khỏe con người. Các nghiên cứu sâu hơn trên nhóm sản phẩm sạch, an toàn và có giá trị sinh học cao đã và đang được thực hiện nghiêm túc với nguồn nguyên liệu quý trong nước (tỏi, hành tím, cây thuốc dòi, linh chi, hoa a-ti-sô đỏ...) với mục đích không chỉ là sản phẩm đa dạng thỏa mãn nhu cầu của con người, mà còn là sản phẩm tốt, sạch, an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống..." - cô Thủy trải lòng.