Bày tỏ trăn trở về chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay, theo PGS Văn Như Cương, trong nhiệm vụ năm học mới có nêu ra giải pháp cho vấn đề này,
Đó là: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT hoàn thành các bộ chuẩn, quy chuẩn giáo viên, giảng viên sư phạm, trên cơ sở đó các tỉnh rà soát số lượng giáo viên từ mầm non đến phổ thông, kết hợp với các trường sư phạm xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng. Tránh làm xáo trộn nhưng không để tình trạng nước đến chân mới nhảy. Tăng cường phương pháp đào tạo, bồi dưỡng từ xa. Tăng cường quản lý chất lượng khâu đầu ra, đánh giá, sát hạch, bằng các chuẩn, quy chuẩn phân tầng, xếp hạng giáo viên.
Về nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sau khi có chuẩn, quy chuẩn của các vị trí chức danh, đề nghị các Sở thiết kế chương trình bồi dưỡng cán bộ để kịp thời đáp ứng chuẩn; tổ chức đánh giá, phân loại xếp hạng cán bộ quản lý, công tác bố nhiệm yêu cầu phải đạt chuẩn. Phải căn cứ vào thực tế, đối với lãnh đạo nhìn vào năng lực kỹ năng quản trị trường học chứ không phải bằng cấp.
Theo nhận định của PGS Văn Như Cương, 9 nhiệm vụ trọng tâm ngành Giáo dục đặt ra trong năm học mới rất nhiều vấn đề; bởi vậy, trong năm học tới khó hoàn thành tốt tất cả 9 nhiệm vụ đó mà phải có lộ trình bao gồm nhiều năm học sau đó.
Lấy ví dụ về nhiệm vụ rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học, theo PGS Văn Như Cương, riêng chỉ một điểm là khắc phục tình trạng lớp quá đông đã là một việc gặp rất nhiều khó khăn.
Ở Hà Nội, Sở GD&ĐT trong mấy năm gần đây đã nêu mức phấn đấu là trường THPT mỗi lớp chỉ có 42 học sinh và trường THCS, mỗi lớp chỉ có 45 học sinh. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều lớp vẫn quá đông, có trên 50 học sinh, vùng nội thành có lớp lên đến 60 học sinh; đặc biệt với bậc học mầm non.
Bởi vậy, nhiệm vụ khắc phục "tình trạng lớp quá đông" cần nêu cụ thể mức phấn đấu mà năm học tới cần đạt được. Chẳng hạn phấn đấu là 85% lớp (trong toàn quốc) đều có duới 45 học sinh và có không quá 5% lớp trên 50 học sinh. Có như vậy, cuối năm học này khi tổng kết ta mới biết đã hoàn thành nhiệm vụ hay chưa ...
Việc phân luồng và định hướng nghề nghiệp, PGS Văn Như Cương cho rằng, cần có những giải pháp rất cụ thể. Ví dụ, có thể tăng số lượng học sinh theo học các trường nghề sau bậc THCS bằng cách quy định mức điểm tổi thiểu để vào học trường THPT. Hoặc thành lập hệ thống trường nghề ở bậc THPT, ở đó chương trình học có thể liên thông với các trường ĐH hoặc các trường CĐ dạy nghề.
Góp ý cho nhiệm vụ năm học mới, PGS Văn Như Cương cũng đề nghị cần đề cập đến những vấn đề như giảm tải kiến thức, tăng cường trải nghiệm thực tế, huy động người viết sách giáo khoa; dạy học tích hợp và phân hóa...