Petrolimex nằm trong nhóm dẫn đầu về… lỗ

Petrolimex nằm trong nhóm dẫn đầu về… lỗ

Ghi nhận lỗ trước thuế là 1.700 tỷ đồng nhưng với riêng công ty mẹ Petrolimex thì mức lỗ lên đến 2.300 tỷ đồng.

Ông lớn ngành xăng dầu cũng đau đầu về lỗ

Cụ thể, doanh thu thuần của Petrolimex giảm gần 3.500 tỷ đồng (giảm 8,3%) xuống còn khoảng 38.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 1.600 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 500 tỷ đồng nên giá vốn hàng bán của Petrolimex không thay đổi nhiều. Do đó, lãi gộp sụt giảm tới 88% xuống còn 450 tỷ đồng.

Trừ đi các chi phí, Petrolimex ghi nhận lỗ trước thuế 1.700 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 1.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm từ 1.200 tỷ xuống -1.893 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những mức lỗ lớn nhất của mùa báo cáo tài chính quý I năm nay.

Với riêng công ty mẹ Petrolimex thì mức lỗ lên đến 2.300 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ thực tế cao gấp 3 - 4 lần so với con số ước tính 572 tỷ đồng hồi đầu tháng 4 trong báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Nếu dịch bệnh kéo dài đến quý IV, Petrolimex ước doanh thu giảm 12.517 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch đã đề ra. Trước đó, đầu tháng 3, Petrolimex đặt kế hoạch kinh doanh năm với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt khoảng 186.000 tỷ đồng và 5.380 tỷ đồng. Như vậy, nếu kịch bản xảy ra, lợi nhuận năm 2020 của Petrolimex sẽ đạt 4.237 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2019.

Hồi đầu tháng 3, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chấp thuận về nguyên tắc các chỉ tiêu chủ yếu kinh doanh năm 2020 của Petrolimex. Nó gồm doanh thu toàn tập đoàn 186.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 5.380 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 41.300 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 15%... Như vậy, lợi nhuận năm nay của tập đoàn sẽ giảm xuống còn 4.237 tỷ đồng.

Trong thông điệp gửi đến các cổ đông, khách hàng và đối tác tại báo cáo thường niên mới được công bố, ông Phạm Đức Thắng, Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, năm 2020 được dự báo là năm đầy khó khăn và thách thức. Đối với Petrolimex, bên cạnh yếu tố bất lợi từ Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn còn chịu ảnh hưởng của giá dầu biến động giảm sâu từ đầu năm.

Liêu xiêu vì “đòn kép”

Sáng ngày 6/5, chủ trì cuộc họp nghe các bộ, ngành báo cáo về công tác chuẩn bị cho Hội nghị giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây không phải dịp “than nghèo, kể khổ” mà là cần phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa đất nước tiến lên.

Theo Petrolimex, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lỗ là do giá dầu thô thế giới giảm đã ảnh hưởng đến giá vốn bán hàng. Phát sinh tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đến 1.500 tỷ đồng. Trước đó, từ đầu tháng 2, ảnh hưởng của dịch khiến nhu cầu đi lại, vận tải giảm mạnh, kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30 - 40%. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy lọc dầu cũng như các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc.

Petrolimex cho biết, xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho, vì vậy, giá xăng dầu thế giới “lao dốc” với biên độ lớn (giảm 60%) trong quý I đã tác động đến giá vốn tồn kho của tập đoàn. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của Petrolimex đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng giá dầu thế giới.

Theo ông Đỗ Long Khánh, chuyên viên phân tích doanh nghiệp, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư (Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt) cho rằng, theo quy định của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam phải thực hiện điều chỉnh giá theo chu kỳ 15 ngày và luôn phải có một lượng tồn kho tích trữ tối thiểu bảo đảm phục vụ nhu cầu thị trường từ 20 - 22 ngày.

Trong xu hướng giá xăng dầu giảm liên tục và sâu như hiện nay, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do việc trích lập hàng tồn kho ở mức giá cao trước đó. Nhà nước cho chi phí định mức và lợi nhuận định mức là 1.300 đồng/lít, song thời điểm này doanh nghiệp muốn đẩy hàng tồn kho đi phải tăng chiết khấu cao hơn nhiều lần. Cộng với lỗ do chênh lệch tỷ giá khiến các doanh nghiệp xăng dầu bị lỗ.

Cách nào giải cứu các doanh nghiệp xăng dầu?

Để “giải cứu” các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn, mới đây Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài Chính, Công Thương xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu với mặt hàng xăng dầu sản xuất trong nước để doanh nghiệp có thể xuất khẩu, giảm tồn kho, tăng nguồn vốn lưu động, miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường các sản phẩm xăng dầu trong năm 2020 cho các doanh nghiệp vận tải.

Bên cạnh đó, Ủy ban kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời gian khoản vay, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch bệnh, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn lưu động… để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, kinh tế thế giới đang suy yếu kéo theo nhu cầu về dầu cũng suy giảm trầm trọng. Giá dầu sẽ còn tiếp tục xuống thấp trong năm nay và triển vọng lợi nhuận của các công ty xăng dầu vô cùng u ám bao gồm cả Petrolimex. Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong nước cũng như khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người dân.

TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nhóm 5 giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ nên mua một lượng xăng dầu để dự trữ tồn kho với giá rẻ trên thị trường thế giới. Chuyển sự giảm giá xuống cho người tiêu thụ thay vì xây dựng các chính sách bán với các đại lý. Hạn chế khai thác dầu, có thể ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp. Cắt giảm chi phí khai thác và chế biến xăng dầu nhưng vẫn duy trì lực lượng lao động, hỗ trợ công nhân viên. Đầu tư vào những công trình tái tạo năng lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ