Theo AFP, Thủ tướng Sharif tuyên bố: “Malala là niềm tự hào của đất nước Pakistan. Cô ấy đã làm người dân cả nước vui mừng và tự hào. Không gì có thể so sánh với những thành tựu của cô ấy. Thanh niên thế giới cần học hỏi quyết tâm đấu tranh của Malala”.
Malala chia sẻ giải Nobel Hòa bình với nhà hoạt động vì quyền trẻ em Ấn Độ Kailash Satyarthi. Cô nghe tin mình đoạt giải khi đang trong lớp học tại Birmingham (Anh). Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon mô tả Malala “là người quảng bá hòa bình dũng cảm và dịu dàng”.
Cao ủy Nhân quyền LHQ Zeid Ra’ad Al Hussein đánh giá Malala và ông Satyarthi là “những người bảo vệ nhân quyền nơi tiền tuyến, đã thể hiện sự dũng cảm phi thường trước những kẻ thù hùng mạnh”.
Người đứng đầu UNESCO Irina Bokova cho rằng Malala “chiến đấu cho tất cả chúng ta vì quyền được học hành, đặc biệt cho trẻ em gái”.
Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown - Đại sứ LHQ về giáo dục toàn cầu - đánh giá cả hai người đoạt giải Nobel là “những người bảo vệ trẻ em thế giới vĩ đại nhất”. Tổng thống Pháp Francois Hollande ca ngợi “lòng dũng cảm phi thường” của Malala và sự tận tụy của ông Satyarthi.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) như Jose Manuel Barroso và Herman Van Rompuy cũng cho rằng giải Nobel hòa bình năm nay là “chiến thắng dành cho toàn bộ trẻ em trên thế giới”.
Biểu tượng của nữ quyền Malala từng bị một tay súng Taliban bắn vào đầu hồi tháng 10/2012 vì các hoạt động đòi quyền được giáo dục cho trẻ em gái ở Pakistan. Kể từ đó, cô trở thành một biểu tượng của nữ quyền quốc tế. Khi phát biểu tại Đại hội đồng LHQ tháng 7-2013, Malala khẳng định cô sẽ không bao giờ lùi bước trước sự đe dọa của Taliban. Malala đã là ứng cử viên hàng đầu giải Nobel Hòa bình từ năm ngoái. Cô là người trẻ nhất từng đoạt giải thưởng danh giá này. |