Tích cực triển khai công tác xóa mù chữ
Pác Nặm là huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh Bắc Kạn chiếm trên 98% chủ yếu là dân tộc Tày, Mông, Dao, Nùng, Sán Chỉ, Kinh, còn lại là các dân tộc khác; trình độ dân trí không đồng đều, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc ở các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng cao của huyện.
Trong những năm qua, huyện đã ban hành các kế hoạch nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện có hiệu quả nội dung xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 5, Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025.
Theo bà Quách Thị Tấm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT, Phó Trưởng ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện Pác Nặm, xác định công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp, mở rộng các lớp xoá mù chữ tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tạo sự thống nhất trong thực hiện công tác xoá mù chữ. Đặc biệt là thống nhất về nhận thức và hành động đối với công chức, viên chức, người lao động, người dân, từ đó huy động sức mạnh tổng hợp chung tay tham gia thực hiện các mục tiêu.
Huyện đã hướng dẫn các đơn vị được giao nhiệm vụ dạy xoá mù chữ căn cứ vào Chương trình xoá mù chữ và tham khảo tài liệu xóa mù chữ để xây dựng kế hoạch dạy học các môn học đảm bảo yêu cầu cần đạt được đối với từng giai đoạn. Đánh giá học viên học Chương trình xoá mù chữ và sử dụng, quản lý hồ sơ đánh giá, học bạ của học viên đúng theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn và cử công chức, cán bộ quản lý, giảng viên tham gia tập huấn do cấp trên tổ chức tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia dạy Chương trình xoá mù chữ.
Công tác quản lí, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác xoá mù chữ và kiểm tra công nhận đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn xoá mù chữ thực hiện nghiêm túc. Tham mưu huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tiếp tục duy trì vững chắc chuẩn xóa mù chữ mức độ 2
Nhờ triển khai đa dạng các giải pháp, trong năm 2022 toàn huyện Pác Nặm đã hoàn thành 12 lớp với 284 học viên, năm 2023 hoàn thành 13 lớp với 263 học viên. Năm 2024, huyện đang mở 37 lớp với 856 học viên, 9/10 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được truyền tải đến người dân một cách đầy đủ và chính xác, giúp đồng bào tự tin hơn trong cuộc sống, không bị kẻ xấu lợi dụng và từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh tế hộ gia đình.
Các lớp học xóa mù chữ vẫn sáng đèn từ sớm tới khuya. |
Chị Lý Kiềm Pu (SN: 1978), xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Không biết chữ khiến tôi không thể nắm bắt và biết được các thông tin, điều đó khiến tôi trở nên tụt hậu với mọi người xung quanh. Không đọc được bất cứ loại sách báo nào, chữ trên tivi viết gì cũng không biết.
Khi lớp xóa mù được mở tại xã, bà Triệu Mùi Muổng (SN 1965) thôn Lung Muổng, xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã đăng ký học ngay, bà Muổng chia sẻ: Do gia đình thuộc hộ nghèo, điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên lỡ dở việc học, đến nay dù đã gần 60 tuổi nhưng tôi vẫn muốn được đến trường, học tập để có thể biết đọc biết viết. Bởi chỉ khi biết đọc, biết viết, tôi mới có thể tiếp cận được với nhiều kiến thức trong sách vở, sách báo nhất là về khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất để tự giúp gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Tuy có nhiều mặt tích cực, nhưng ở Pác Nặm vẫn còn một số hạn chế như cơ sở vật chất và điều kiện dạy học của giáo viên một số trường học chưa đáp ứng với yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nghèo nên công tác này còn gặp nhiều trở ngại.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục trên địa bàn, huyện sẽ tiếp tục vận động người mù chữ tham gia học các lớp xoá mù chữ, duy trì và nâng cao kết quả xóa mù chữ đã đạt chuẩn mức độ 2, phấn đấu mục tiêu năm 2024, 10/10 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, 90% đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 từ độ tuổi 15-60. Đặc biệt, năm 2025, dự kiến huyện sẽ vận động 1.700 học viên, tổ chức mở 68 lớp xoá mù chữ.