Ông Y "si mê" rối cạn

GD&TĐ - Bằng tình yêu với bộ môn nghệ thuật quê hương, ông Nguyễn Hữu Y gần 20 năm nay đã không ngừng biểu diễn và trao truyền rối cạn Lộc Hòe.

Ông Y và bà Tú diễn trích đoạn rối cạn "Quê ta mở hội".
Ông Y và bà Tú diễn trích đoạn rối cạn "Quê ta mở hội".

Đến nay, tuổi đã cao, ông Y chỉ đau đáu một điều: Cố gắng tìm được những học trò đam mê để thay ông tiếp tục giữ “lửa” cho rối cạn.

Như anh em song sinh

Chúng tôi tìm về thôn Lộc Dư, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội để tìm hiểu về rối cạn Lộc Hòe. Gặp ai cũng mách rằng phải tìm đến nhà ông Y (tên khai sinh là Nguyễn Khắc Oánh). Bởi ông Y không chỉ là Đội trưởng Đội Rối cạn, mà còn là người gắn bó lâu nhất với bộ môn nghệ thuật “sinh ra từ làng” này.

Thật may, chúng tôi đến đúng lúc ông Y đang chuẩn bị dắt xe đi có công việc. Thấy chúng tôi hỏi chuyện về rối cạn, ông Y quay xe vào nhà luôn. Ông nói, giọng hồ hởi: “Chẳng mấy khi có người tìm hiểu về rối cạn quê tôi, việc gì cũng phải gác lại đã”.

Rót cho khách cốc nước vối nóng, giọng trầm ấm, ông Y kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời của rối cạn Lộc Hòe. Ông bảo, “Lộc Hòe” là tên gọi gộp của hai làng Lộc Dư và Hòe Thị, đều thuộc xã Nguyễn Trãi. Từ lúc rối cạn ra đời, diễn viên được tuyển chọn đến từ cả hai làng nên gọi chung là Đội Rối cạn Lộc Hòe.

Những năm 50 của thế kỷ trước được cho là thời điểm rối cạn Lộc Hòe ra đời. Ông Y sinh năm 1953 nên ông thường tếu táo bảo, rối cạn như “người anh em song sinh” với mình.

“Ngày đó, có nhiều cụ trong làng giỏi hát, giỏi tạp kỹ, múa rối và thường biểu diễn trong các rạp ở Hà Nội. Nhân những lúc về quê, các cụ đã bàn với nhau thành lập một đội rối mang bản sắc riêng và trình diễn cho dân làng xem quanh năm. Trong đó, nổi bật là cụ Tam Cương (nay đã mất), từ đó rối cạn Lộc Hòe ra đời”, ông Y kể.

Tuy nhiên, những lời ca tiếng hát, đường rối uyển chuyển trên sân khấu làng của rối cạn Lộc Hòe chỉ tồn tại đến năm 1974, rồi lắng xuống do nhiều nguyên nhân khách quan.

Trong ký ức của ông Y, quãng thời gian tuổi thơ được xem diễn rối cạn thật là đẹp. Ông vẫn còn nhớ những tối, đám trẻ làng vội vã ăn cơm, kéo nhau ra đình làng “xí chỗ”, nhớ những tiếng hò reo trống dồn, tràng pháo tay rào rào đêm trăng thanh.

Bẵng đi trong một thời gian dài, rồi do vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, chẳng mấy ai còn nhớ tới rối cạn Lộc Hòe nữa. Đến đầu năm 2003, ông Y vô tình xem được một vở rối cạn trên truyền hình và được khán giả rất yêu thích.

Ông trăn trở, rồi nghĩ rằng, quê mình cũng có rối cạn, tại sao không đẩy lên cho mọi người cùng thưởng thức? Vậy là ông nảy ra ý định và quyết tâm khôi phục lại đội rối cạn, bởi đó chính là “hồn quê” của Lộc Hòe.

Ngay sau đó, ông bàn với ông Lê Công Uyển (cán bộ nghỉ hưu) và bà Tạ Thị Tú (diễn viên hát chèo) và một số người khác xây dựng lại đội rối. Trong đó, ông Uyển phụ trách sáng tác, bà Tú lo trang phục, còn việc khó nhất là chế tạo con rối và đạo diễn thì ông Y phụ trách.

Sau một thời gian đi từng ngõ, gõ từng nhà, ông Y đã vận động được hơn 20 người yêu rối để thành lập Đội Rối cạn Lộc Hòe vào tháng 8/2003. Thành viên cao tuổi nhất là 85, ít tuổi nhất là 32. Mỗi người đảm trách một nhiệm vụ, kinh phí hoạt động do các thành viên tự nguyện đóng góp.

Múa rối cạn là loại hình nghệ thuật phong phú, sinh động và gần gũi.

Múa rối cạn là loại hình nghệ thuật phong phú, sinh động và gần gũi.

Miệt mài với tình yêu rối cạn

Ông Y vốn làm nghề đắp nổi tại đình, chùa nên có đôi bàn tay khéo léo. Mỗi chiều, sau khi đi làm về, ông lại “loay hoay” với các khúc gỗ, xi măng, đất sét, bột đá, giấy bồi để chế tạo con rối.

Nếu như con rối nước chỉ cần bộ dây điều khiển thì con rối cạn cần uyển chuyển hơn. Do tay người cầm trực tiếp vào trục con rối nên ông Y đã chế tạo vai, tay rối có khuỷu, xoay được vòng tròn, đầu rối linh hoạt, thậm chí đến bàn tay cũng có thể xoay để múa được uyển chuyển.

Sau khi chế xong bộ khung, ông Y kiêm luôn “họa sĩ” vẽ mặt rối. Có con rối đại diện cho sự hài hước, có con rối đại diện cho sự liêm khiết và có những con rối đại diện cho sự gian trá… đều được ông tự thể hiện bằng bàn tay tài hoa của mình.

Trong vài tháng, ông Y đã tạo ra gần 30 con rối. Mỗi con rối phải đầu tư khoảng 2 triệu đồng, chủ yếu do ông tự bỏ tiền làm. Đến nay, số rối do ông Y làm ra khoảng 40 con. Bà Tú đảm trách phần trang phục, kiêm biên đạo, còn sáng tác kịch bản chủ yếu do ông Uyển.

Vào một ngày đẹp trời cuối năm 2003, Đội Rối cạn Lộc Hòe đã chính thức “trình làng” vở diễn đầu tiên sau gần 30 năm vắng bóng. Lớp trẻ trong làng không tin được rằng, bộ môn rối cạn này từng ra đời và tồn tại trên chính quê hương mình trong một thời gian dài.

Còn thế hệ cao niên thì xúc động vô cùng. Họ nghĩ rằng, rối cạn chỉ “vang bóng một thời” và đi vào dĩ vãng thì nay, bằng tình yêu và sự nỗ lực của các “nghệ sĩ làng” đã làm sống lại môn nghệ thuật độc đáo này.

Các vở diễn vừa sử dụng tích cổ vừa có sáng tác mới để theo sát hơi thở cuộc sống. Tiêu biểu như các vở: “Trí khôn của ta đây”, “Quê ta mở hội”, “Dưa vàng đậu bạc”, “Thằng chết cãi thằng khiêng”... để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân.

Mỗi vở diễn đều phải tập luyện hàng tháng trời, không có sự trợ cấp kinh phí nhưng ai nấy đều rất nỗ lực và phấn khởi trên tinh thần tự nguyện. Miễn sao đem lại tiết mục hấp dẫn, đem lại phút giây thư giãn phục vụ bà con địa phương.

Duy trì gần 20 năm, trung bình mỗi năm, Đội Rối cạn lại phục vụ nhân dân 5 lần vào các dịp hội làng, Tết Nguyên đán, Tết thiếu nhi, Trung thu, Quốc khánh...

Ai nấy đều thấy ông Y lúc nào cũng bận rộn. Bởi, ông vừa tham gia công tác tổ chức hậu cần, vừa tham gia diễn. Hết diễn lại xuống làm nhạc công, thi thoảng lại sáng tác kiêm luôn biên đạo. Ngoài ra, ông còn tích cực đi đăng ký biểu diễn, quảng bá rối cạn Lộc Hòe để lan tỏa bộ môn nghệ thuật độc đáo của quê hương.

Rối cạn Lộc Hòe từng để lại dấu ấn tại Hội diễn Nghệ thuật do UNESCO tổ chức tại Bangkok, Thái Lan năm 2004. Sang năm 2005, rối cạn Lộc Hòe tiếp tục gây ấn tượng tại Liên hoan văn nghệ toàn quốc nhân kỷ niệm 185 ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh; tham gia Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất tại Hải Dương - năm 2011; tham gia Liên hoan Sân khấu truyền thống tại TP Hà Nội năm 2014 (trong đó, ông Y giành giải A2 với vai diễn trong vở chèo “Chuyện tình của Vũ”)...

Với những đóng góp ấy, Đội Rối cạn Lộc Hòe đã được nhận Bằng khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Đau đáu trao truyền

Hơn 70 tuổi, ông Nguyễn Hữu Y vẫn đam mê với rối cạn.

Hơn 70 tuổi, ông Nguyễn Hữu Y vẫn đam mê với rối cạn.

Gần 20 năm “mặn nồng” với rối cạn, ông Y và Đội Rối cạn Lộc Hòe đã mang lại những phút giây thư giãn với nghệ thuật dân gian cho nhân dân địa phương.

Cho dù, những lúc khó khăn nhất như một số cụ cao niên qua đời, một số bạn trẻ vì bận công việc mà xin rút khỏi đội hay thiếu thốn kinh phí tổ chức, ông Y vẫn cố gắng “kiêm nhiệm” và ứng tiền túi ra “chữa cháy”.

Bên cạnh việc biểu diễn, ông Y đau đáu với công tác trao truyền. Ông Uyển nay đã cao tuổi và xin rút khỏi đội, bà Tú bận nhiều công việc nhà nên “buổi được, buổi không”. Lớp trẻ không có nhiều thời gian hoặc chưa mặn mà với bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Thành viên Đội Rối cạn Lộc Hòe hiện đã giảm xuống chỉ còn gần 20 thành viên. Nhiều lần ông Y mở lớp dạy nhưng chưa tìm được “truyền nhân” thực sự hoặc họ chỉ giỏi một công đoạn, vai diễn. “Để họ có thể phụ trách Đội sau khi tôi “nghỉ hưu” thì vẫn là quá sức”, ông Y trăn trở.

Nghệ thuật dân gian rối cạn Lộc Hòe độc đáo là thế, nhưng từ khi ra đời đến nay, mới chỉ dừng lại như một phong trào văn nghệ quần chúng. Những “nghệ sĩ làng” như ông Y chỉ được gọi là những người đam mê, cho dù “chất” tài hoa của ông bất kỳ khán giả nào từng xem rối cạn đều phải tấm tắc.

Ông Y chỉ biết ghi hình lại các vở diễn, các bài giảng kỹ thuật vào băng đĩa và lưu vào USB, để ngộ nhỡ một ngày nào đó ông đi theo các bậc tiền nhân, vẫn còn tư liệu để truyền lại cho lớp trẻ.

Ngồi xem người “nghệ nhân không bằng” Nguyễn Hữu Y nâng niu từng con rối, tôi cảm nhận được tình yêu và nỗi trăn trở của ông với rối cạn Lộc Hòe.

“Ngoài 70 tuổi rồi nhưng cứ nhắc đến rối cạn, ông Y như trẻ lại tuổi thanh xuân. Ông ấy yêu rối cạn đến quên ăn, quên ngủ. Ông sẵn sàng gác việc nhà, việc kiếm tiền để làm rối, sáng tác, tập tành, biểu diễn... chỉ với một ước muốn đưa môn nghệ thuật của quê hương tới đông đảo khán giả”, bà Tạ Thị Tú nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.