Ông Trump quyết chống Obamacare đến cùng

GD&TĐ - Một thỏa thuận lưỡng đảng do hai Thượng nghị sĩ đưa ra nhằm ổn định đạo luật y tế về Chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc, được thông qua dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama (thường được gọi là đạo luật Obamacare), đã gặp phải khó khăn ngay khi chưa công bố, khi Nhà Trắng nói Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng phản đối.

Ông Trump quyết  chống Obamacare đến cùng

Bất đồng ngay từ lưỡng viện

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng cho thấy, ông chống lại thỏa thuận vốn được Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lamar Alexander và Thượng nghị sĩ Dân chủ Patty Murray loan báo ngày 17/10 để chống đỡ Obamacare bằng cách tái lập nhiều tỉ đô la trợ cấp của liên bang cho các công ty bảo hiểm trong vòng 2 năm để giúp những người Mỹ có lợi tức thấp được có bảo hiểm y tế.

Ngày 17/10, Tổng thống Donald Trump nói thỏa thuận của hai Thượng nghị sĩ đề xướng là “một giải pháp ngắn hạn rất tốt” nhưng sau đó vào cuối ngày 17/10 và sang ngày 18/10, ông Trump tuyên bố sẽ không ủng hộ kế hoạch làm giàu cho những công ty bảo hiểm.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, Sarah Sander, nói ông Trump không ủng hộ thỏa thuận theo dạng thức hiện hành, dù bà gọi đó là “một bước tốt đẹp đi đúng hướng”.

Các công ty bảo hiểm nói không hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của Obamacare, chuyển trực tiếp cho người tiêu dùng để giảm bớt tiền khấu trừ cho các công ty bảo hiểm, tiền trả cho bác sĩ và những chi phí thuốc men khác đối với những người có lợi tức thấp.

Một số công ty bảo hiểm như UnitedHealth Group, Aetna Inc và Humana Inc, đã ra khỏi thị trường này vì thua lỗ. Những công ty khác gồm Anthem Inc cũng giảm một cách đáng kể sự có mặt tại những thị trường các tiểu bang.

Obamacare là một trong những di sản của cựu Tổng thống Barack Obama để lại, nhưng cũng là một trong những nội dung mà ông Donald Trump phản đối ngay từ khi ra tranh cử Tổng thống, đồng thời có ngay các biện pháp để loại bỏ khi chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Đây cũng là đạo luật mà đảng Cộng hòa của ông Donald Trump rất phản đối ngay từ khi nó được khởi soạn.

Tranh cãi còn kéo dài

Mới đây nhất, vào ngày 12/10, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn để dân Mỹ có thể mua các chương trình bảo hiểm y tế tối giản, sử dụng quyền hành Tổng thống của ông làm lung lay Obamacare sau khi các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội không hủy bỏ được đạo luật chăm sóc y tế 2010 này.

Ông Trump ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm mục tiêu cho phép các doanh nghiệp nhỏ hợp lực với nhau vượt ra ngoài ranh giới của bang để mua các chương trình bảo hiểm y tế rẻ hơn, ít bị quản lý hơn cho nhân viên của mình với ít phúc lợi hơn.

Tuy nhiên, những lựa chọn bảo hiểm mới này có thể tới năm 2019 mới được ứng dụng, và sắc lệnh Tổng thống vừa ban có thể đối mặt với những thách thức pháp lý từ các Tổng chưởng lý theo đảng Dân chủ từ các tiểu bang.

Đây là bước đi cụ thể nhất của ông Trump để lật ngược Obamacare kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 với lời hứa bãi bỏ chính sách đối nội mang dấu ấn của Tổng thống Barack Obama.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, cáo buộc ông Trump “một tay phá tan tành hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta”. “Không bãi bỏ được luật này ở Quốc hội, Tổng thống giờ đang phá hoại hệ thống này”, ông Schumer nói.

Hạ viện hồi tháng 5 đã thông qua một đạo luật của phe Cộng hòa để bãi bỏ Obamacare. Nhưng những nỗ lực của các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Thượng viện nhằm bãi bỏ và thay thế Obamacare đã thất bại vào tháng 7 và tháng 9, một phần vì dự luật được đề xuất sẽ khiến hàng triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế.

Các nghị sĩ Cộng hòa gọi Obamacare, vốn mở rộng bảo hiểm y tế cho 20 triệu người, là sự can thiệp thái quá của chính phủ vào vấn đề chăm sóc y tế của người Mỹ, và đã hứa hẹn sẽ bãi bỏ nó suốt bảy năm qua.

Sắc lệnh của ông Trump làm suy yếu Obamacare một phần bằng cách cho phép người ta tiếp cận các kế hoạch bảo hiểm y tế không bao gồm các phúc lợi thiết yếu như thai sản và chăm sóc y tế trẻ sơ sinh, thuốc theo toa, và điều trị sức khỏe tâm thần và cai nghiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.