NSND Hoàng Dũng gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội 40 năm từ năm 1977 khi đó còn là đoàn kịch Hà Nội, cho đến khi về nghỉ hưu vào năm 2017. Ông đã đóng rất nhiều phim truyền hình nổi tiếng và ghi dấu ấn đậm nét với khán giả từ những vai phản diện lẫn chính diện.
Thế nhưng, ít ai biết rằng ông đã trải qua bao khó khăn để có thể tiếp tục gắn bó với nghề.
NSND Hoàng Dũng từng chia sẻ: "Nghệ sĩ chúng tôi cũng như những người bình thường khác, phải có trách nhiệm với vợ con, nuôi gia đình, chi trả đủ sinh hoạt phí trong khi đó tiền lương thấp.
Một thời gian có câu “nghệ sĩ xuống đường” làm kinh tế. Tôi còn nhớ, sau một vở diễn được giải thưởng, tôi xin nghỉ gần một năm. Nghỉ ở đây nghĩa là tối diễn vở cũ, ban ngày kinh doanh.
Cũng may là lúc đó kiếm được tiền. Nhưng sau đó tôi nghĩ cứ thế này mãi thì chán quá, tôi xoay ra tính cách khác để vẫn kinh doanh nhưng quay trở lại làm việc với nhịp độ bình thường”.
Trước đây, mỗi khi được tham gia một vở kịch phát sóng trên truyền hình, ông còn phải đi xem nhờ vì nhà không có tivi,
Còn với "cô Đẩu" Công Lý, để giữ lửa với nghề diễn, anh cũng đã từng gặp nhiều khó khăn: "Tôi không có nghề tay trái, không bán cà phê, không bán hàng qua mạng mà cũng chỉ làm những nghề loanh quanh nghệ thuật để vẫn có thể tồn tại. Tôi đi lồng tiếng, quay phim, diễn kịch, tham gia đóng hài cuối năm,…” - nghệ sĩ Công Lý trải lòng.
Gắn bó mấy chục năm với Nhà hát Kịch Hà Nội, Công Lý tiết lộ: "Từ bé xem những vở kịch trên truyền hình tôi đã rất hâm mộ anh Hoàng Dũng nên thời sinh viên, tôi cứ “nhăm nhăm”, tốt nghiệp xong sẽ về Nhà hát Kịch Hà Nội.
Nếu Kịch Hà Nội không mời có lẽ tôi sẽ không làm nghề nữa. Chính vì thế, sau đó, dù rất nhiều đoàn kịch nói khác mời chào nhưng tôi vẫn một tình yêu duy nhất".
Chính vì tình yêu với nghề diễn, bạn diễn mà có lẽ dù ánh đèn sân khấu chưa đủ cho cuộc sống đủ đầy nhưng họ vẫn quyết tâm giữ lửa với nghề.