Theo nhà thiết kế, tất cả các cuộc thi sắc đẹp đều có lùm xùm, chỉ là ít hay nhiều. Anh cho biết nếu muốn những ồn ào này không xảy ra thì không nên tổ chức các cuộc thi hoa hậu.
Anh nói: “Nguyên nhân của việc này là do văn hóa thua cuộc của người Việt Nam không cao và văn hóa cạnh tranh không lành mạnh. Có những thí sinh không đáp ứng đủ tiêu chuẩn cuộc thi nhưng vẫn cố tham gia, cuối cùng khi bị phanh phui sẽ dẫn đến những lùm xùm”.
Với kinh nghiệm trong việc đưa các cô gái dự thi sắc đẹp, Việt Hùng khẳng định 70% các cuộc thi hoa hậu hiện nay ở Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
Điều này được đạo diễn Lê Hoàng hoàn toàn đồng tình: “Dù tôi không có chuyên môn nhưng nhìn tên ban giám khảo, ban tổ chức là tôi biết được cuộc thi đó như thế nào, có mùi gian xảo hay không. Người ta có thể giấu được nơi xin giấy phép nhưng quan hệ sống hằng ngày họ không giấu được”.
Lê Hoàng cho biết anh từng tiếp xúc với một số thí sinh và nhận ra có 4 cách để người đẹp đặt vấn đề “mua bán giải”.
Đạo diễn Những thiên thần áo trắng chia sẻ: “Thứ nhất, thí sinh sẽ đi ăn tối với một số người có ảnh hưởng đến cuộc thi, thường là đàn ông, đó có thể là đơn vị tổ chức hoặc nhà tài trợ. Thứ hai, thí sinh được đặt thẳng vấn đề, bỏ một số tiền ra thì sẽ được vào vòng trong. Thứ 3, giả dụ vương miện hoa hậu trị giá 500 triệu thì thí sinh sẽ chỉ được nhận danh hiệu thôi, còn số tiền sẽ thuộc về người khác. Thứ 4, thí sinh sẽ đóng thẳng tiền”.
Theo nhà thiết kế Việt Hùng, thậm chí còn có nhiều hơn 4 cách thức trên: “Xưa người ta thường đồn, để có giải cô A phải ngủ với người này người kia, nhưng nay thì chủ yếu là trao đổi bằng tiền thôi. Tuy nhiên, không phải ai có tiền cũng mua giải được, còn phải tùy vào mối quan hệ của thí sinh với người đó như thế nào”, anh chia sẻ.
Một trong những vấn đề tế nhị khác mà dư luận quan tâm trong các cuộc thi sắc đẹp là chi phí tham gia. Theo nhà thiết kế, điều đó phụ thuộc vào điều kiện của từng thí sinh.
“Nếu chỉ tính tiền quần áo, trang điểm thì mỗi bộ trang phục tương đương từ 1.000 đến 5.000 USD, trong một cuộc thi cần từ 10 đến 20 bộ. Cả cuộc thi có thể tốn 1 - 2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đó là những thí sinh nhà có điều kiện, còn nếu không, nhiều người chọn cách mượn, thuê, hay xin tài trợ thì 20 hay 200 triệu đồng cũng được. Bao năm trong nghề tôi chưa từng thấy thí sinh nào mà đội vương miện một mình, tất cả đều phải có cả một ê-kíp mạnh giúp đỡ”, anh tiết lộ.
“Thí sinh muốn chạm tay đến vương miện hoa hậu thì phải có nền tảng tri thức cao, phải chịu khó đi học kỹ năng sống, tâm lý, để làm sao tự tin, mạnh mẽ, biết thể hiện mình, nhìn có cốt cách hoa hậu chứ không phải chỉ là một bông hoa vô vị, có sắc mà không có hương.
Nếu chọn một thí sinh thực dụng, với đối tượng này đưa lên đầu, với đối tượng kia đạp xuống đất thì sẽ rất nguy hiểm cho cuộc thi, cho xã hội”, anh nhấn mạnh.
Đồng thời, nhà thiết kế cho biết tiêu chí để anh giúp đỡ một cô gái là cô ấy không cướp chồng người khác, không mặc đồ ngủ ra đường và phải tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.