Ông Tất Thành Cang từ đỉnh cao danh vọng tới sa vòng lao lý

GD&TĐ - Từng đứng trên đỉnh cao danh vọng nhưng do mắc nhiều sai phạm, ông Tất Thành Cang đã sa vòng lao lý và phải chấp hành hình phạt 14 năm 6 tháng tù.

Ông Tất Thành Cang từ đỉnh cao danh vọng tới sa vòng lao lý

Đường quan lộ thênh thang

Ông Tất Thành Cang sinh năm 1971, trước khi bị lĩnh tổng mức án 14 năm 6 tháng tù trong 2 vụ án, ông Cang từng có con đường quan lộ thênh thang.

Trước đó, ông Tất Thành Cang học tại Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, ông đảm nhận vai trò là Chủ tịch Hội sinh viên của trường, Phó Chủ tịch Hội sinh viên thành phố, Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Phó Ban Đại học chuyên nghiệp Thành Đoàn.

Từ tháng 7/2001 đến tháng 3/2003, ông Tất Thành Cang là Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên TP. Hồ Chí Minh, Trưởng ban Đại học chuyên nghiệp.

Từ năm 2003 đến năm 2004, ông Tất Thành Cang là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố, Trưởng ban Mặt trận Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh.

Từ tháng 12/2004 đến năm 2009, ông Tất Thành Cang là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, ông Tất Thành Cang còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII, Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XII.

Từ năm 2009 đến năm 2012, ông Tất Thành Cang giữ chức Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận 2 (TP. Hồ Chí Minh). Cũng trong thời gian này, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tất Thành Cang được bầu giữ chức vụ Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2014, ông Tất Thành Cang giữ chức vụ Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. Hồ Chí Minh; Ủy viên UBND TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2016.

Tiếp đó, ông Tất Thành Cang được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 11/2015 đồng thời là Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Đến ngày 26/1/2016, ông Tất Thành Cang được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII rồi được Thành ủy phân công làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Tháng 5/2016, ông Tất Thành Cang trúng cử Đại biểu HĐND thành phố khóa IX với 68,1% số phiếu bầu hợp lệ…

Ông Tất Thành Cang tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 19/10 liên quan đến vụ sai phạm 32ha đất Phước Kiển.

Ông Tất Thành Cang tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 19/10 liên quan đến vụ sai phạm 32ha đất Phước Kiển.

Sa vòng lao lý

Trong thời gian công tác, ông Tất Thành Cang có sai phạm liên quan đến vụ phát hành cổ phiếu tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và vụ sai phạm 32ha đất Phước Kiển.

Từ ngày 12 đến 14/11/ tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 31. Một trong số những nội dung đáng chú ý tại Kỳ họp là việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang (khi đó giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh).

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ông Cang còn vi phạm các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Tất Thành Cang cũng được đánh giá đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ thành phố.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 – 2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Chưa dừng ở đó, với những sai phạm liên quan vụ việc phát hành cổ phiếu tại IPC và Sadeco, ngày 16/12/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí

Tại phiên xét xử phúc thẩm liên quan đến vụ án này vào ngày 9/6, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Tất Thành Cang mức án 8,5 năm tù với tội danh nêu trên.

Hội đồng xét xử đánh giá ông Tất Thành Cang với vai trò người đứng đầu được giao quản lý tài sản của Đảng bộ thành phố, phụ trách Văn phòng Thành ủy đã bút phê "đồng ý" vào Tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược mà không thông qua đấu giá công khai, không do tổ chức có chức năng về thẩm định giá thẩm định.

Từ ý kiến đồng ý của ông Cang, các bị cáo khác đã biểu quyết đồng ý bán 9 triệu cổ phần. Trong vụ án này, ông Cang và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Sadeco hơn 1.103 tỷ đồng. Trong đó thất thoát tài sản nhà nước là hơn 669 tỷ đồng.

Trong quá trình đang bị khởi tố ở vụ án trên, ngày 21/6/2021, Công an TP. Hồ Chí Minh đã tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí theo quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự liên quan đến vụ sai phạm 32ha đất Phước Kiển.

Ông Tất Thành Cang tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 9/6 liên quan đến vụ phát hành cổ phiếu tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).

Ông Tất Thành Cang tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 9/6 liên quan đến vụ phát hành cổ phiếu tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).

Liên quan đến vụ án này, mới đây nhất, vào ngày 19/10, ông Tất Thành Cang bị Hội đồng xét xử TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt mức án 6 năm tù với tội danh nêu trên.

Theo Hội đồng xét xử, trong vụ án này, ông Tất Thành Cang đã có bút phê "đồng ý" vào Tờ trình số 1206 ngày 25/5/2015 của Văn phòng Thành ủy xin Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trương cho Công ty Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù, công trình đã đầu tư tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển với giá chuyển nhượng là 1,29 triệu đồng/m2 mà không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy quyết định gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, với những sai phạm của ông Tất Thành Cang dẫn đến việc bị khởi tố để điều tra, ngày 7/4/2021, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang.

Ban Bí thư kết luận, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ CHí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây thiệt hại, thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.