Liên quan vụ án sai phạm gây thất thoát nghìn tỷ tại Công ty Sadeco, ngày 14/2, nguồn tin của báo Giáo dục và Thời đại cho biết bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh) đã kháng cáo bản án sơ thẩm vụ án.
Theo đó, bị cáo kháng cáo toàn bộ nội dung trong bản án sơ thẩm. Bị cáo cho rằng hình phạt 10 năm tù mà tòa đã tuyên đối với ông là quá nặng. Bị cáo Tất Thành Cang đề nghị cơ quan xét xử phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung bị cáo bị tòa sơ thẩm cáo buộc.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Xây dựng Tân Thuận) kháng cáo xin xét xử lại vụ án, xem xét lại tội danh và mức án.
Các bị cáo khác có kháng cáo gồm: Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco), Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc Sadeco), Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy), Huỳnh Phước Long (cựu Trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn Văn phòng Thành ủy), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận), Trần Đăng Linh (cựu Phó tổng giám đốc IPC), Vũ Xuân Đức (cựu Phó tổng giám đốc IPC), Đỗ Công Hiệp (cựu kế toán trưởng Sadeco) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh (cựu thành viên HĐTV IPC) xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Bên cạnh đó, bị hại (Sadeco) kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm buộc bị cáo Tề Trí Dũng cùng đồng phạm bồi thường 2,8 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 8/1, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng cùng các bị cáo về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản xảy ra tại Sadeco.
Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Tất Thành Cang và các bị cáo khác là những người có vị trí chủ chốt, quan trọng trong cơ quan quản lý Nhà nước nhưng của các bị cáo gây ra đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm trong việc quản lý kinh tế trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mất quyền sở hữu đối với tài sản Nhà nước.
Hành vi này còn ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách kinh tế của Nhà nước, tạo sự bất bình trong xã hội, gây mất lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc điều hành, hoạt động nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các bị cáo biết và buộc phải biết việc phát hành vốn của Sadeco trước khi chuyển nhượng phải thông qua thẩm định giá, bán đấu giá... Tuy nhiên từ bút phê “đồng ý” của bị cáo Tất Thành Cang đã tạo điều kiện cho các bị cáo đại diện vốn Nhà nước tại Sadeco bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá công khai, không được định giá tài sản theo đúng quy định… gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn…
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử cho rằng cần phải có hình phạt nghiêm minh mang tính răn đe phòng ngừa. Với các hành vi vi phạm của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Tề Trí Dũng bị tuyên phạt 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, 9 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt 20 năm tù.
Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng Giám đốc Sadeco) bị phạt 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí 7 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt 16 năm tù.
Các bị cáo khác bị tuyên phạt mức án từ 2 năm tù treo đến 13 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và Tham ô tài sản.