Ông Putin nêu số lượng đầu đạn hạt nhân Mỹ triển khai tại châu Âu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hôm qua (25/6), tại cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại St.Petersburg, Tổng thống Nga Putin cho biết Mỹ đã triển khai 200 đầu đạn chiến thuật hạt nhân của NATO trên lãnh thổ các quốc gia châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đổi lại, nhà lãnh đạo Belarus kêu gọi Moscow giúp đỡ trong việc chuẩn bị phản ứng trước mối đe dọa tiềm tàng từ phương Tây.

Tổng thống Nga giải thích rằng, ông không thấy cần phải có phản ứng ngay lập tức. Tuy nhiên, ông đề xuất tái trang bị máy bay Su-25 từ kho vũ khí của Lực lượng vũ trang Belarus với điều kiện việc này diễn ra tại các nhà máy của Nga.

Theo ông Putin, lựa chọn này là tối ưu để đảm bảo an ninh cho Nhà nước Liên minh (gồm Nga và Belarus) và có thể cả các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) khác.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga khẳng định, trong thời gian tới, Moscow sẽ gửi một lô tên lửa Iskander-M và các tổ hợp chiến thuật tới Belarus. Tổ hợp tên lửa chiến thuật bao gồm cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở phiên bản hạt nhân và thông thường.

Ngày 23/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu kêu gọi các biện pháp chung khẩn cấp nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Nhà nước Liên minh.

Trước đó, ngày 19/5, ông Lukhashenko tuyên bố Belarus mua “đúng số lượng” các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và Iskander để đáp ứng nhu cầu của quân đội. Theo ông, những vũ khí này có thể gây tổn thất lớn cho đối phương.

Ngày 17/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng dưới sự lãnh đạo của Mỹ, NATO đã vi phạm nghĩa vụ là không tăng cường an ninh của mình với chi phí của nước khác. Ông nhấn mạnh kết quả của việc này là “sự mở rộng không kiềm chế của Liên minh Bắc Đại Tây Dương về phía đông”.

Ngày 15/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên trong khối sẽ thảo luận về việc tăng cường hơn nữa liên minh này ở hướng đông. Ông cũng lưu ý rằng NATO đang chuẩn bị các kế hoạch mới để phòng thủ. Điều này có nghĩa là sự hiện diện của NATO ở phía đông sẽ tăng lên đáng kể nhằm nâng cao khả năng và sự sẵn sàng của khối.

Theo Izvestia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ