Ông Putin: Không có chỗ cho các khối quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương

GD&TĐ - Tổng thống Nga cho rằng nỗ lực thiết lập các khối quân sự như vậy là “có hại và phản tác dụng” đối với an ninh khu vực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với các nhà báo sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Sputnik)
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với các nhà báo sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết khu vực châu Á - Thái Bình Dương không nên có các khối quân sự vì các khối này có thể làm suy yếu sự cân bằng an ninh.

Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16/5, ông Putin lưu ý rằng các cuộc đàm phán gần đây giữa Moscow và Bắc Kinh một lần nữa cho thấy cách tiếp cận của 2 nước đối với nhiều vấn đề khu vực và quốc tế “có mối tương quan hoặc liên kết”.

Ông cho biết cả 2 cường quốc đang theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập khi họ phấn đấu vì “một trật tự thế giới đa cực, dân chủ hơn”, với vai trò của Liên hợp quốc là trung tâm.

Ông Putin nói thêm rằng Nga và Trung Quốc đang ủng hộ một “cấu trúc an ninh phù hợp và bền vững” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, ông Tập lưu ý rằng “tâm lý chiến tranh lạnh” vẫn lan tràn trên trường quốc tế. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo “bá quyền đơn phương, đối đầu khối và chính trị quyền lực đe dọa trực tiếp đến toàn thế giới và an ninh của tất cả các nước”.

Mặc dù Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối quân sự do Mỹ đứng đầu không có kế hoạch mở rộng sang châu Á và không coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng khối này vẫn sẽ theo dõi các sự kiện trong khu vực và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ cũng có các hiệp ước liên minh riêng biệt với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan.

Năm 2021, Mỹ, Anh và Australia cũng thiết lập quan hệ đối tác an ninh mang tên AUKUS, trong đó Washington và London hỗ trợ Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tháng 11/2023, ông Putin cho biết NATO đang cố gắng mở rộng vùng ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông khiển trách Mỹ về những gì ông cho là những nỗ lực ích kỷ nhằm “lôi kéo các thành viên của liên minh vào việc tạo ra tình hình căng thẳng” trong khu vực.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Moscow và Bắc Kinh nhận thức rõ về chính sách này và đã tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ