Ngay sau đó, các đại biểu thảo luận tại đoàn về nhân sự dự kiến bầu Chủ tịch nước. Nhân sự được đề cử vị trí Chủ tịch nước kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng là ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Sáng 5/4, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Trước đó, thông tin tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ XI Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội sẽ bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước. Do thực hiện quy trình bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước nên theo tuần tự, ngoài việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, còn phải miễn nhiệm Thủ tướng. Nếu miễn nhiệm Chủ tịch nước trước rồi bầu Thủ tướng làm tân Chủ tịch nước thì khi ấy, Thủ tướng sẽ phải trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình.
Vì vậy, Chủ tịch nước phải trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo. Đây là vấn đề kỹ thuật, quy trình và đã được lưu ý để bố trí trong chương trình công tác nhân sự cho phù hợp.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán Quảng Nam, là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV.
Ông từng trải qua nhiều vị trí công tác tại Quảng Nam-Đà Nẵng và Trung ương: Là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam các khóa VIII, IX; Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam khóa VI, VII; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ nhiệm Thường trực, Phó Bí thư Đảng ủy rồi Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ.
Từ tháng 4/2016-7/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc là Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.