"Ông lớn" Tân Hoàng Minh và 2 lần "quay xe" làm sôi sục thị trường bất động sản

GD&TĐ - Nhắc đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nhiều người nhớ đến những lùm xùm liên quan đến các dự án. Trong số này có 2 lần "quay xe" khiến thị trường bất động sản sôi sục.

Bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm

Thời điểm cuối năm 2021, thị trường bất động sản xôn xao trước mức giá 24.500 tỷ đồng mà Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) chấp nhận bỏ ra để sở hữu lô đất vàng tại Thủ Thiêm. Đây có thể xem là mức giá kỷ lục cho một mét vuông đất tại Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Công ty Tân Hoàng Minh, có tâm thư về việc xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ ở Thủ Thiêm, sẵn sàng chấp nhận chế tài khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất ở bán đảo này.

Trong tâm thư gửi đến Tổng bí thư và quý lãnh đạo cao cấp ở trung ương và TP. Hồ Chí Minh, ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất số 3-12 tại Thủ Thiêm.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất số 3-12 tại Thủ Thiêm. 

Việc này là nhằm "bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên...". Đồng thời ông Dũng cũng gửi đến Tổng bí thư và quý lãnh đạo cao cấp lời xin lỗi chân thành nhất.

Lý giải rõ hơn về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, ông Dũng khẳng định sau khi đấu giá trúng, ông và tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt.

Lùm xùm vụ đấu giá "đất vàng" số 23 Lê Duẩn

Vụ bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh khiến dư luận nhớ lại hành trình thâu tóm khu "đất vàng" ở số 23 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) của tập đoàn này vào năm 2015 cũng với một kịch bản tương tự.

Khu đất số 23 Lê Duẩn vốn là trụ sở của Công ty Xổ số Kiến thiết TP. Hồ Chí Minh với diện tích rộng 3.000m2 với 2 mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du, nằm ngay trung tâm thành phố. 

Vào năm 2011, Công ty Xổ số Kiến thiết TP. Hồ Chí Minh khởi công xây dựng trụ sở mới tại quận 5 nên có kế hoạch bàn giao lại trụ sở cũ ở số 23 Lê Duẩn cho UBND TP. Hồ Chí Minh sử dụng vào mục đích khác theo quy hoạch phát triển chung trong tương lai.

Đầu năm 2014, Sở Kế hoạch Đầu tư kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh cho đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn theo hình thức Nhà nước cho thuê đất do khu đất có chức năng văn phòng thương mại dịch vụ; cho phép pháp nhân nước ngoài tham gia. 

Với vị trí đắc địa, khi đó, khu đất nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong số này có một tập đoàn lớn của Nhật Bản bày tỏ mong muốn đầu tư dự án cao ốc văn phòng tiêu chuẩn quốc tế.

Khu đất vàng số 23 Lê Duẩn.
Khu đất vàng số 23 Lê Duẩn.

Đến tháng 6/2015, buổi đấu giá công khai chính thức diễn ra với mức giá khởi điểm là 558 tỷ đồng. Trong đó giá trị công trình kiến trúc khoảng 10 tỷ đồng, giá trị quyền sử dụng đất là 548 tỷ đồng. 

Các doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu giá phải đặt trước một khoản tiền tương đương với 15% giá khởi điểm (khoảng 84 tỷ đồng). Trải qua 16 vòng, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã vượt qua 12 đơn vị khác để thắng đấu giá khu đất với số tiền kỷ lục vào thời điểm đó, lên tới 1.430 tỷ đồng (gấp 2,6 lần so với mức giá khởi điểm).

Tuy nhiên, khi UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá thì Tân Hoàng Minh bất ngờ đòi huỷ kết quả vì cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá có sai phạm về bước giá. Không lâu sau, doanh nghiệp này lại đề nghị được tiếp tục mua khu đất nói trên.

UBND TP. Hồ Chí Minh khi đó đã ra "tối hậu thư" yêu cầu đến hết ngày 30/12/2016, nếu Tân Hoàng Minh không nộp hết số tiền trúng đấu giá, thành phố sẽ hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại. 

Cuối cùng, Tân Hoàng Minh phải thực hiện nghĩa vụ tài chính khoảng 1.694 tỷ đồng (gồm: tiền đặt trước 84 tỷ đồng, số tiền còn lại hơn 1.346 tỷ đồng và số tiền phạt chậm nộp hơn là 263 tỷ đồng) để chính thức sở hữu khu "đất vàng" 23 Lê Duẩn vào khoảng tháng 4/2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ