'Ông lớn' Hàn Quốc chi 300 triệu USD mua cổ phần công ty bán dẫn ở Vĩnh Phúc

GD&TĐ - Tập đoàn SK của Hàn Quốc đã mua lại cổ phần của một công ty bán dẫn tại Vĩnh Phúc với số tiền 300 triệu USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông (phải) làm việc với ông Han Sung Won, Giám đốc điều hành Công ty SK Hàn Quốc tại Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông (phải) làm việc với ông Han Sung Won, Giám đốc điều hành Công ty SK Hàn Quốc tại Việt Nam.

Tập đoàn SK đã mua lại cổ phần của Công ty TNHH sản xuất ISCVina, chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) với số tiền 300 triệu USD.

SK là tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, viễn thông, dầu khí, năng lượng...

Tính theo doanh thu, SK Group là tập đoàn kinh tế gia đình (chaebol) lớn thứ 3 Hàn Quốc chỉ sau Samsung và Hyundai.

Tại Việt Nam, SK hiện là cổ đông quan trọng của nhiều tập đoàn lớn như VinGroup, Masan...

Trong buổi làm việc với ông Han Sung Won, Giám đốc điều hành Công ty SK Hàn Quốc (Tập đoàn SK Hàn Quốc) tại Việt Nam, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc hoan nghênh khoản đầu tư của Tập đoàn SK, đồng thời mong muốn tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, chọn Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư trực tiếp đầu tiên của tập đoàn tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hàn Quốc hiện là quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại tỉnh với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD.

Hiện nay, Vĩnh Phúc đang ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, điện, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà ở, du lịch, dịch vụ…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn SK tìm hiểu môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc, ông Trần Duy Đông đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, các cơ chế chính sách của tỉnh cho doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ