Ông Erdogan đưa ra 'lằn ranh đỏ' cho việc Thụy Điển vào NATO

GD&TĐ - Stockholm phải thực hiện các bước bổ sung chống lại các nhóm khủng bố và bài Hồi giáo để gia nhập NATO, theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng đất nước của ông chưa sẵn sàng cho phép Thụy Điển gia nhập khối NATO. Ông cáo buộc Stockholm che chở cho chiến binh khủng bố và tạo điều kiện cho tội ác thù hận chống lại người Hồi giáo.

Phát biểu ngay sau cuộc họp nội các hôm 3/7, ông Erdogan lên án cuộc biểu tình đốt kinh Koran diễn ra ở thủ đô Thụy Điển vào tuần trước. Ông tiếp tục lên án lập trường lỏng lẻo của Thụy Điển đối với các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Theo ông, Ankara không thể phê chuẩn đơn đăng ký gia nhập NATO của Thụy Điển cho đến khi nước này hành động.

“Chúng tôi đã nói rõ rằng cuộc chiến kiên quyết chống lại các tổ chức khủng bố và chủ nghĩa bài Hồi giáo là ranh giới đỏ của chúng tôi” - ông Erdogan nói - “Mọi người phải chấp nhận rằng tình bạn của Thổ Nhĩ Kỳ không thể có được bằng cách hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố hoặc bằng cách tạo không gian cho những kẻ khủng bố”.

Ankara đã cáo buộc Stockholm từ chối giao nộp “những kẻ khủng bố” từ đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm liên quan khác, vốn bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho là bất hợp pháp trong bối cảnh cuộc nổi dậy của người Kurd kéo dài hàng thập kỷ.

Ban đầu Thổ Nhĩ Kỳ do dự ủng hộ tư cách thành viên NATO của cả Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, sau đó họ từ bỏ sự phản đối của mình đối với Phần Lan.

Cả 2 quốc gia Bắc Âu này đã ký một biên bản ghi nhớ với Ankara vào năm ngoái đồng ý giải quyết những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, vấn đề bài Hồi giáo không được đề cập trong thỏa thuận trên.

Mặc dù các nhà lãnh đạo NATO bày tỏ hy vọng phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trước một hội nghị thượng đỉnh lớn ở Litva vào cuối tháng này, nhưng đến nay Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn từ chối phê chuẩn.

Khối quân sự do Mỹ lãnh đạo cần có sự đồng ý nhất trí của tất cả các thành viên trước khi các quốc gia mới có thể tham gia.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ