Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Mỹ

GD&TĐ - Trưa 20/1 (theo giờ địa phương), lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 45 của Donald Trump chính thức bắt đầu. Trước sự chứng kiến của khoảng 1 triệu người, Donald Trump đọc tuyên thệ nhậm chức và chính thức bước vào cuộc sống mới tại Nhà Trắng.

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Mỹ

Lễ nhậm chức đơn giản mà tốn kém

Kịch bản của lễ nhậm chức Tổng thống mặc dù không được ghi trong hiến pháp và quy định của Mỹ, nhưng nó đã có truyền thống từ lâu. Buổi sáng, người được bầu làm Tổng thống sẽ đến thăm các cơ sở tôn giáo, sau đó sẽ cùng với Phó Tổng thống tương lai Michael Pence gặp 2 cựu Tổng thống và Phó Tổng thống - Barack Obama và Joe Biden tại Nhà Trắng.

Sau cuộc trò chuyện ngắn, 4 chính khách sẽ đến Capitol Hill, nơi Trump và Pence long trọng tuyên thệ trước người dân Mỹ. Sau bài phát biểu tuyên thệ của Donald Trump, quốc ca Mỹ vang lên đánh dấu buổi lễ nhậm chức kết thúc. Tuy nhiên, một ngày dài cho Donald Trump và Michael Pence chưa thể kết thúc - họ sẽ dẫn đầu đám rước lễ đi qua trung tâm thành phố Washington, và sau đó cùng với vợ con, họ ghé thăm một vài nghi thức khác.

Donald Trump và vợ - bà Melania tham dự 3 buổi khiêu vũ dạ hội chính thức khác - hai lễ hội đành cho các nhà tài trợ chiến dịch tranh cử cùng những người thân và một lễ hội tiếp nhận vai trò danh dự của các lực lượng vũ trang Mỹ. Ba lễ hội là một con số khiêm tốn trong vài năm trở lại đây (đặc biệt là trong trường hợp của nhiệm kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống). Bill Clinton và vợ Hillary năm 1997 lập kỷ lục khi tổ chức tới 14 lễ kỷ niệm. Barack Obama trong năm 2009 đã tham gia vào 10 lễ hội.

Bàn về sự khiêm tốn trong tổ chức các lễ hội, đại diện Ủy ban Nhậm chức của Donald Trump, ông Boris Epstein giải thích như thế này: “Ông ấy (Trump -ND) phải làm tất cả để bắt đầu công việc càng sớm càng tốt, đặc biệt là muốn người Mỹ ở nhà, như vậy sẽ an toàn hơn”. Trong cuộc phỏng vấn khác, ông Epstein cho biết: “Đây là lễ nhậm chức của người lao động khó khăn, không phải là một lễ đăng quang”.

Lễ nhậm chức của Donald Trump chỉ kéo dài trong 90 phút và các nghi lễ chỉ gói gọn trong 3 ngày (từ 19 - 21/1).

An ninh được đặt lên trên hết

Theo các nguồn tin, chi phí cho lễ nhậm chức của Donald Trump vào khoảng 175 - 200 triệu USD, nhưng đa số dành cho các dịch vụ an ninh. Thậm chí trước đó, kênh truyền hình CNN đã công bố một kịch bản có thể xảy ra của nhà báo Brian Todd, theo đó, các quan chức hàng đầu của Mỹ, bao gồm cả Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức cấp cao của Quốc hội có thể bị ám sát trong lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

“Tôi nghĩ mọi người đã sẵn sàng để làm những gì họ chưa sẵn sàng để làm trước đó” - Người đứng đầu Cơ quan mật vụ Mỹ, Joseph Clancy cho biết. Theo lời Joseph Clancy, để đối phó với các mối đe dọa nếu có của lễ nhậm chức sẽ có 63 nhóm hoạt tình nguyện sẵn sàng ứng phó. Theo Clancy, các nhân viên của ông đã phải đi khắp các tuyến đường nơi đoàn xe hộ tống Tổng thống đi qua và gõ cửa của mỗi tòa nhà để tìm ra các nghi vấn có thể xảy ra ở đâu đó trong ngày lễ nhậm chức.

“Chúng ta phải cảnh giác, phải có tất cả các kế hoạch chuẩn bị” - Bộ trưởng Nội vụ Jay Johnson cho biết. Người tham dự lễ nhậm chức phải trải qua 6 trạm kiểm soát trước khi họ đến điện Capitol, nơi lễ nhậm chức sẽ diễn ra. Một danh sách 40 vật dụng cấm mang vào buổi lễ, trong số đó có ô dù, bóng bay, trống, gậy chụp ảnh tự sướng và nhiều vật dụng khác.

Trên mạng xã hội ở Mỹ đã xuất hiện lời kêu gọi chống đối trên khắp nước Mỹ. Một số cuộc biểu tình đã và đang diễn ra. Nhóm đối lập Disrupt J20 hứa sẽ gửi hàng chục nhà hoạt động của họ đến cổng vào trong công viên National Mall, nơi có thể theo dõi tiến trình của lễ nhậm chức. “Chúng tôi tin rằng đó là nhiệm vụ của chúng tôi và các nhiệm vụ của tất cả những người có lương tâm trong nỗ lực nhằm phá vỡ lễ nhậm chức và chống lại Donald Trump” - Reuters dẫn lời một trong những người tổ chức Disrupt J20, ông Samantha Miller.

Trên thực tế, nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ từ chối tham dự lễ nhậm chức của Donald Trump. “Tôi sẽ không chúc mừng người đàn ông đang theo đuổi một chính sách chia rẽ và hận thù” - Ông Keith Ellison - một thành viên của Hạ viện viết trên Twitter. “Tôi không muốn chúc mừng Tổng thống, người phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, bài ngoại và cố chấp” - Rep Barbara Lee cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ