Ông bố Trung Quốc rong ruổi trên 400.000 km trong suốt 21 năm để tìm con trai

GD&TĐ - Tuy chưa có manh mối nào về cậu con trai mất tích, anh Guo Gangtang khẳng định miễn còn một tia hy vọng thì anh sẽ không bỏ cuộc.

Ông bố Trung Quốc rong ruổi trên 400.000 km trong suốt 21 năm để tìm con trai
Anh Guo Gangtang luôn thấy có lỗi khi đã không để ý cẩn thận đến con trai, khiến cậu bé bị kẻ lạ bắt đi. Ảnh: Shanghaiist.

Anh Guo Gangtang luôn thấy có lỗi khi đã không để ý cẩn thận đến con trai, khiến cậu bé bị kẻ lạ bắt đi.

Sáng 21/9/1997, anh Guo Gangtang, người tỉnh Sơn Đông, rời nhà sớm như thường ngày để đến làm việc ở mỏ than gần đó. Vợ anh lúc này đang nấu cơm trong bếp, còn cậu con trai 2 tuổi Guo Zhen thì chơi một mình ngoài sân. Hôm đó, một người phụ nữ lạ mặt được cho là đã tiếp cận cậu bé và dùng chiếc khăn tay để bịt mặt em. Đến khi anh Guo đi làm về, con trai đã biến mất từ bao giờ. 

Theo Shanghaiist, hàng chục người dân làng Litaitun, đã nhanh chóng tiến hành tìm kiếm Zhen ở khắp nơi, thậm chí ra cả trạm xe buýt địa phương, nhưng vẫn không tìm thấy bóng dáng cậu bé cũng như người phụ nữ lạ kia. 

Tin rằng con trai đã bị bắt cóc và đưa đi xa, anh Guo bắt đầu lùng sục mọi tờ báo để tìm manh mối và gửi hàng nghìn lá thư cho phòng cảnh sát, các tình nguyện viên, họ hàng, bạn bè và người quen của bạn bè trên khắp Trung Quốc để tìm con. Mỗi khi nhận được thông tin gì có chút hy vọng, Guo lại leo lên xe máy để phóng tới đó nhanh nhất có thể, bất kể quãng đường xa hay gần. 

Mỗi chuyến đi, Guo thường chỉ mang theo vài món vật dụng cần thiết và mỗi ngày chỉ tiêu khoảng 11 nhân dân tệ (chưa tới 40.000 nghìn đồng). Tuy nhiên, chiếc cặp của anh lúc nào cũng chứa đầy tờ rơi, in hình mặt cậu con trai thất lạc và chi tiết sự việc cậu bé đột nhiên mất tích. Trong hành trình tìm con, anh Guo thường xuyên lâm vào cảnh đói ăn hay không có chỗ ngủ, nhiều lần phải trú trong chùa hay dưới chân cầu. Đã vay nợ tổng cộng hơn 200.000 tệ (hơn 700 triệu đồng), anh Guo thường phải làm việc bán thời gian để có đủ tiền quay về nhà. 

Suốt 21 năm qua, anh Guo Gangtang đã đi qua 29 tỉnh thành của Trung Quốc để tìm con trai, rong ruổi trên hơn 400.000 km và đã thay 10 chiếc xe máy. "Chỉ khi rong ruổi trên đường tìm con tôi mới có cảm giác mình là bố. Tôi không thể dừng lại vì không muốn khiến con trai thất vọng", Guo từng nói năm 2015. 

Anh Guo đã làm hỏng 10 chiếc xe máy trên hành trình 21 năm tìm kiếm con trai. Ảnh: Shanghaiist.

Anh Guo đã làm hỏng 10 chiếc xe máy trên hành trình 21 năm tìm kiếm con trai.

Tuy luôn nỗ lực hết mình để tìm con nhưng đến nay, anh Guo vẫn chưa thể xác định được Guo Zhen giờ đang ở đâu. 

 "Lý do tôi làm việc này cũng đơn giản thôi: tôi cảm thấy có lỗi khi đã không trông nom con mình cẩn thận", anh Guo nói. "Trong hành trình đi tìm đứa con trai thất lạc, tôi đã tìm được con cho nhiều người. Nó giống như một điều kỳ diệu vậy. Nhưng tôi cũng nghĩ, tại sao điều kỳ diệu ấy lại không xảy đến với mình?".

Kể từ khi Zhen bị bắt đi, vợ anh Guo đã sinh được thêm hai cậu con trai nữa. Tuy vậy, cả gia đình anh chưa một lần chụp ảnh chung. Guo nói rằng vợ chồng anh vẫn chờ ngày Zhen trở về đoàn tụ. 

Năm 2015, câu chuyện tìm con của anh Guo từng được chuyển thành bộ phim "Lost and Love" (Thất cô), trong đó ngôi sao Hong Kong Lưu Đức Hoa thủ vai chính. Bộ phim cùng vô số bài báo đã khiến trường hợp của Guo gây được nhiều chú ý hơn, nhưng đến nay anh vẫn chưa có cái kết có hậu. 

"Miễn còn một tia hy vọng, tôi sẽ không bỏ cuộc", Guo nói. "Con trai tôi tên là Guo Zhen. Thằng bé sinh tháng 4/1995. Trên ngón út bàn chân trái của con có một vết sẹo". 

Tại Trung Quốc, mỗi năm ước tính có khoảng 200.000 trẻ em bị bắt cóc. Hầu hết chúng bị bọn bắt cóc bán cho các cặp vợ chồng vô sinh ở vùng quê. 

Tuy khoảng thời gian 21 năm có thể là quá dài cho một sự đoàn tụ, nhiều điều kỳ lạ hơn từng xảy ra. Đầu năm nay, vợ chồng tài xế taxi Wang Mingqing ở Thành Đô cuối cùng đã được đoàn tụ với con gái sau hơn 24 năm tìm kiếm.

Theo Ngoisao.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...