Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden đã ký một dự luật cấm Mỹ nhập khẩu uranium của Nga.
"Vào thứ Hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024, Tổng thống đã ký thành luật... 'Đạo luật cấm nhập khẩu Uranium của Nga', cấm nhập khẩu uranium có độ làm giàu thấp được sản xuất tại Liên bang Nga hoặc bởi một thực thể Nga" - thông cáo nêu rõ.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật cấm nhập khẩu uranium của Nga. Văn bản đã được đặt trên bàn của Tổng thống Biden vào ngày 8/5 và chờ được ký thành luật. Nó sẽ có hiệu lực 90 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật.
Đạo luật này cấm nhập khẩu uranium có độ giàu thấp được sản xuất ở Nga hoặc bởi một thực thể của Nga, đồng thời bao gồm các biện pháp để bịt các lỗ hổng.
Tuy nhiên, luật pháp cho phép miễn trừ nếu Mỹ xác định rằng không có nguồn uranium có độ giàu thấp thay thế nào để duy trì hoạt động liên tục của lò phản ứng hạt nhân hoặc công ty năng lượng hạt nhân của mình. Hoặc nếu Mỹ cũng xác định việc nhập khẩu uranium là trong phạm vi quyền hạn của mình trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia.
Mọi sự miễn trừ do Bộ Năng lượng Mỹ ban hành phải chấm dứt trước ngày 1 tháng 1 năm 2028, và lệnh cấm sẽ hết hạn vào ngày 31 tháng 12 năm 2040.
Giới phân tích cho rằng, lệnh cấm nhập khẩu uranium Nga sẽ khiến ngành công nghiệp Mỹ ngay lập tức lao đao. Trước hết sẽ có hàng loạt công ty xin miễn trừ. Tuy nhiên, S&P Global đưa tin hôm 10/5 trích dẫn những người tham gia cuộc họp của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, chi tiết về quy trình miễn trừ vẫn chưa được tiết lộ.
Centrus Energy, công ty đã mua uranium từ Nga trong nhiều năm, đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ nộp đơn xin miễn trừ ngay khi có cơ hội đầu tiên. Chủ tịch, Giám đốc điều hành và Giám đốc Centrus Amir Vexler cho biết: "Đúng, chúng tôi đã chuẩn bị. Chúng tôi sẽ sử dụng quy trình này và nó cực kỳ quan trọng, không chỉ đối với Centrus mà còn đối với ngành công nghiệp Mỹ."
Mỹ không thể đột ngột từ bỏ uranium của Nga
Alexey Anpilogov, một nhà khoa học chính trị và chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nói với Sputnik: “Hiện tại, uranium của Nga chiếm 20 đến 25% thị trường nhiên liệu hạt nhân của Mỹ. Rõ ràng không thể đột ngột từ bỏ một nhà cung cấp như vậy”.
"Điều đó có nghĩa là phải tạm dừng một phần tư, thậm chí một phần ba tổng sản lượng hạt nhân của Mỹ. Sẽ không ai dám làm điều này vì các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ sản xuất điện giá rẻ. Và quá trình chuyển đổi xanh, được tuyên bố ở Mỹ, cũng hàm ý việc bảo tồn năng lượng hạt nhân. Năng lượng hạt nhân như một lĩnh vực sản xuất điện trung hòa carbon" - chuyên gia năng lượng hạt nhân phân tích.
Anpilogov kỳ vọng rằng Mỹ sẽ không thể thay thế việc cung cấp uranium làm giàu thấp (LEU) và uranium làm giàu thấp có độ tinh khiết cao (HALEU) của Nga trong thời gian dài. Hơn nữa, Tenex - một phần của tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga - là công ty duy nhất bán HALEU, chất không thể thiếu cho các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến, trên cơ sở thương mại.
Vào ngày 19 tháng 4, Tổng thống Joe Biden thông báo rằng một nhà máy của Hoa Kỳ đã sản xuất được 200 lbs (90 kg) HALEU đầu tiên và sẽ tạo ra gần một tấn nhiên liệu vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, đó chỉ là giọt nước trong đại dương, theo chuyên gia Anpilogov.
Nhà khoa học Nga nhấn mạnh nếu không có sự miễn trừ, thị trường nhiên liệu hạt nhân của Mỹ có thể sụp đổ, dẫn đến chi phí làm giàu uranium tăng vọt. Ông cũng gợi ý rằng các công ty Mỹ có thể đã sử dụng "kế hoạch xám" để mua nhiên liệu hạt nhân của Nga, ngụy trang dưới dạng hợp đồng với các công ty Pháp hoặc nước ngoài khác.
Mỹ có kế hoạch phát triển HALEU đến 2040. |
Chuyên gia Anpilogov chỉ ra rằng, việc đưa ra quyền miễn trừ cùng với luật cấm không phải là ngẫu nhiên: các nhà lập pháp Mỹ có thể đã nhận ra rằng gần như không thể tìm được người thay thế Nga trên thị trường nhiên liệu hạt nhân.
"Không thể xóa bỏ nền kinh tế, không thể xóa bỏ sự phân công lao động quốc tế. Vào những năm 1980, người Mỹ thực tế đã phá hủy ngành công nghiệp làm giàu uranium của họ, vì nó không hiệu quả do dựa trên các công nghệ khuếch tán khí cũ. Trong 30 năm, họ đã mua uranium của Nga với giá tương đối rẻ. Một nền tảng của việc sản xuất năng lượng hạt nhân của Mỹ không thể bị loại bỏ chỉ qua một cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội" - ông Anpilogov nhận định.
Chuyên gia Nga khẳng định rằng, tranh cãi xung quanh lệnh cấm nhiên liệu hạt nhân của Nga đã cho thấy ưu tiên của nền kinh tế lớn hơn các tham vọng chính trị.
Trong khi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với lĩnh vực hạt nhân của Nga, thì việc nhập khẩu uranium làm giàu của Nga sang Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 1,2 tỷ USD vào năm 2023, đánh dấu mức tăng 40% so với lượng nhập khẩu của năm 2022, theo tổ chức Bellona Environmental.
Sự gia tăng này là do cả giá cả tăng cao và khối lượng nhiên liệu hạt nhân vật lý của Nga mà Mỹ mua cũng tăng lên, mức tăng từ 588 tấn vào năm 2022 lên 702 tấn vào năm 2023.
Theo Sputnik