Không nên sa đà vào lời giải trên mạng
Thầy Phạm Thành Trung, tổ trưởng bộ môn Toán Trường THPT Nho Quan B, tỉnh Ninh Bình đưa ra lời khuyên với HS: Để bám sát kiến thức và chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em nên có thói quen biết cách tổng hợp các dạng toán cơ bản.
Trước hết các em nên nắm chắc kiến thức lý thuyết của từng chương từ đó vận dụng thực hành tốt các bài tập. Mỗi một chương sẽ có những kiến thức mà thầy cô sẽ lưu ý trong từng phần. Ví dụ ở phần: Tính đơn điệu của hàm số các em cần chú ý đến việc tìm ra một khoảng đơn điệu của hàm số; Tìm điều kiện để hàm số đơn điệu trên một miền; Tìm khoảng đơn điệu của một hàm số cho dưới dạng hàm số hợp...
Trong quá trình ôn luyện, HS nên thực hiện các bài tập theo các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao. Đặc biệt các em không nên quá chú ý vào những lời giải trên mạng vì nhiều khi sa đà vào đó sẽ mất rất nhiều thời gian.
Môn Sinh nên học theo bản đồ tư duy
Cô Nguyễn Thị Hoài Thương, trưởng nhóm Sinh học Trường THPT Nho Quan B, Ninh Bình cũng đưa ra những lời khuyên với các em HS: Ở môn Sinh học, với những HS chỉ đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp cần phải nắm chắc các kiến thức cơ bản trong SGK và ôn luyện các câu hỏi với mức độ nhận biết, thông hiểu.
Còn với đối tượng HS lấy điểm môn sinh học để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì sẽ phải ôn luyện kỹ với các mức độ kiến thức cao hơn. Các em cần chú ý tới các dạng bài tập về Di truyền học. Việc ôn tập cần bám sát vào nội dung tinh giản của Bộ GD&ĐT.
Với môn Sinh học, các nội dung kiến thức đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn, phần kiến thức khó chủ yếu rơi vào học kỳ I lớp 12. Kiến thức học kỳ II ít phần khó, chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Ở kiến thức lớp 11, HS nên chú ý vào chương Chuyển hóa vật chất và năng lượng.
Theo cô Thương, để học tốt môn sinh học, các em nên học theo bản đồ tư duy. Ở mỗi bài học các em hãy chia ra từng luận điểm, mỗi luận điểm đó lại chia nhỏ thành các nội dung nhỏ theo hệ thống giống như các cành cây. Khi nhìn vào sơ đồ đó việc nắm kiến thức sẽ dễ dàng, dễ nhớ hơn.
Với mỗi bài học các em làm một sơ đồ tư duy thì đến khi ôn lại bài chỉ cần nhìn vào sơ đồ đó các em có thể tổng hợp lại kiến thức. Bên cạnh đó việc ghi âm bài học và mở ra nghe những lúc rảnh rỗi sẽ giúp các em nhớ bài nhanh hơn. Đặc biệt cô Thương còn cho biết, cô thường yêu cầu HS phải sử dụng vở nháp khoa học, cẩn thận. Với mỗi bài tập trắc nghiệm học sinh sẽ phải lý giải rõ vì sao chọn phương án đó. Cách làm này giúp HS hiểu thấu đáo vấn đề hơn.