Ôn thi tốt nghiệp THPT: Chất lượng, không quá tải

GD&TĐ - Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, các trường THPT bước vào giai đoạn nước rút ôn tập thi tốt nghiệp THPT.

Một buổi học của học sinh lớp 12 Trường THPT Bình Thủy (Cần Thơ). Ảnh: INT
Một buổi học của học sinh lớp 12 Trường THPT Bình Thủy (Cần Thơ). Ảnh: INT

Kế hoạch ôn tập được xây dựng với khung thời gian và nội dung, phương pháp cụ thể, bảo đảm chất lượng nhưng không gây quá tải cho học sinh.

Kéo dài ôn tập đến hết tháng 6

Công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Nam Đàn 1 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) được tiến hành từ đầu năm học. Cô Trịnh Thị Diệu Thúy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh lớp 12 vẫn trong đợt 1 ôn tập. Giai đoạn này, nhà trường xếp lớp theo đăng ký bài thi tổ hợp của học sinh (hiện có 7 lớp Khoa học tự nhiên, 5 lớp Khoa học xã hội). Học sinh được ôn theo từng chuyên đề đã thống nhất từ tổ nhóm chuyên môn, thời lượng mỗi môn 1 buổi/tuần. Giáo viên tùy vào năng lực từng lớp để hướng dẫn học sinh theo cấp độ.

Qua thống nhất từ cuộc họp phụ huynh ngày 24/4, từ 23/5 đến 30/6, học sinh bắt đầu ôn tập đợt 2 với tổng số 60 buổi, tập trung vào 6 môn thi tốt nghiệp. Thầy cô ôn theo chủ đề đã thống nhất và có điều chỉnh qua 3 đợt thi thử, cũng như yêu cầu của học sinh. “Nhà trường đã tổ chức đợt thi thử tốt nghiệp THPT đầu tiên vào ngày 18, 19/4. Trong 2 ngày 7 - 8/5, học sinh thi thử lần 2. Sau đó, ngày 22 - 23/5, các em sẽ tham gia kỳ thi thử do sở GD&ĐT tổ chức” - cô Trịnh Thị Diệu Thúy thông tin thêm.

Khi dịch bệnh tạm ổn định và học sinh trở lại trường học trực tiếp từ tháng 3, Trường THPT Minh Châu (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) đã tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 với 6 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và 3 môn tổ hợp tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học), hoặc 3 môn tổ hợp xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) vào các buổi chiều. Nội dung ôn tập các kiến thức cơ bản và bám sát đề thi minh hoạ của Bộ GD&ĐT.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hồng, thời gian ôn tập dự kiến kéo dài hết tháng 6. Sau khi học sinh kết thúc chương trình học, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh vào buổi sáng; buổi chiều các em tự học, ôn tập ở nhà để tránh thời tiết nắng nóng.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh Nguyễn Thanh Tuấn đã ký ban hành kế hoạch thực hiện dạy học học kỳ II, ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch này, thời gian ôn tập chia làm 2 đợt. Đợt 1 diễn ra trong tháng 5 (trừ thời gian tổ chức thi học kỳ II).

Theo đó, sở GD&ĐT yêu cầu, sau khi hoàn thành chương trình môn học ở khối 12, các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập các môn thi, cân đối số tiết ôn tập các môn, nhưng không vượt quá 6 ngày/tuần và tối đa 28 tiết dạy/tuần. Ngày Chủ nhật cho học sinh nghỉ và bố trí sao cho các ngày trong tuần phải có thời gian để học sinh tự học). Đợt 2 từ đầu tháng 6 đến trước ngày thi một tuần.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Trà Vinh cũng giao các trường THPT, trung tâm GDTX dự kiến tổ chức Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2022 nhằm tập dượt cho học sinh làm quen với cách thi, lịch thi và cách làm bài thi (đặc biệt là bài thi tổ hợp) trước khi diễn ra kỳ thi chính thức để các em khỏi bỡ ngỡ.

Học sinh Trường THPT Cửa Lò 2 tập trung ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: ITN
Học sinh Trường THPT Cửa Lò 2 tập trung ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp.     Ảnh: ITN

Ôn tập nhưng không quá tải

Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) đang trong giai đoạn ôn tập đợt thứ 3. Đợt 1 nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 từ 18/10/2021 đến ngày 31/12/2021. Đợt 2 tổ chức ôn tập từ 17/1/2022 đến ngày 9/4/2022. Đợt 3 ôn thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa được triển khai từ 18/4, kéo dài đến 25/6. Nhà trường sẽ khảo sát chất lượng (thi thử tốt nghiệp THPT) vào 3/6.

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Bên cạnh nội dung, nhà trường đặc biệt lưu ý phương pháp ôn tập. Theo đó, các tổ chuyên môn đã họp để xây dựng nội dung chương trình dạy học, lập kế hoạch ôn tập, đề cương ôn tập, bài tập luyện tập cho học sinh và thống nhất sử dụng trong nhóm chuyên môn vào đầu tháng 10/2021. Việc xây dựng chương trình ôn tập cụ thể đến từng tiết, từng bài, chương. Phối hợp ôn kiến thức lý thuyết và bài tập thực hành; phối hợp kiến thức lớp 10, 11, 12 một cách hợp lý.

Trong quá trình giảng dạy chương trình lớp 12, giáo viên cần nhắc lại kiến thức lớp 10, 11; hướng dẫn học sinh tự học kiến thức, chương trình lớp 10, 11. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra kiến thức, hướng dẫn học sinh luyện tập để nắm kiến thức vững chắc, sâu rộng.

Nhà trường thực hiện phân loại học sinh theo học lực để tách theo từng nhóm (không quá 20 học sinh/nhóm), từ đó có phương pháp ôn tập phù hợp. Đặc biệt, lớp học thêm các môn tổ hợp ghép nhiều lớp, lực học của học sinh không đồng đều.

Giáo viên chia nhỏ đơn vị kiến thức để hướng dẫn học sinh ôn tập, tạo điều kiện thuận lợi cho trò nắm vững kiến thức cơ bản, phương pháp, kỹ năng làm bài từng bộ môn. Hướng dẫn các em dùng sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức một cách khoa học và hệ thống, nhất là các môn khoa học xã hội.

Với những học sinh năng lực trung bình, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng lưu ý: Giáo viên chú trọng kiểm tra việc học bài, ghi nhớ kiến thức của học sinh. Hướng dẫn học sinh phương pháp, bí quyết để ghi nhớ kiến thức, các dấu hiệu nhận biết trong câu hỏi để chọn đáp án đúng. Trong quá trình dạy cũng như ôn tập chủ yếu cung cấp kiến thức phần nhận biết, thông hiểu cho học sinh. Thực hiện đơn giản hóa kiến thức cơ bản, ngắn gọn, dễ nhớ. Tăng cường luyện tập, thực hành bài tập theo các dạng đề thi minh họa của của Bộ GD&ĐT. Tìm các phương pháp, cách thức lôi cuốn học sinh vào hoạt động học tập, tránh nhàm chán đơn điệu.

“Học sinh học đến đâu cần hệ thống lại kiến thức đến đó, chú ý khắc phục những lỗ hổng kiến thức. Các em cũng phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, vận dụng tốt kiến thức cơ bản, thuộc lòng các định nghĩa, nội dung cơ bản... của bài học.

Với giáo viên, trong quá trình ôn tập, nên cho học sinh giải đề thi thử với áp lực thời gian thật để đánh giá sát chất lượng bài thi của học sinh. Khi các em thực hiện các bài tập, giáo viên nên chỉ ra cụ thể lỗi sai thường gặp và hướng dẫn cách khắc phục. Học sinh cũng cần ghi lại các lỗi sai thường mắc phải để điều chỉnh, tránh lặp lại” - thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng lưu ý thêm.

Sở GD&ĐT Trà Vinh lưu ý: Hoàn thành chương trình các môn học ở khối 12, các nhà trường tiến hành xây dựng kế hoạch ôn tập ở các môn thi, cân đối số tiết ôn tập giữa các môn, nhưng không vượt quá 6 ngày/tuần. Ngày Chủ nhật cho học sinh nghỉ và bố trí trong tuần phải có thời gian để học sinh tự học. Căn cứ vào điều kiện thực tế, tổ chức ôn tập cho học sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp có nguyện vọng ôn tập. Ngoài ra, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên thống nhất với học sinh, cha mẹ để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, bảo đảm sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ