Ôn thi miễn phí cho học sinh cuối cấp: Chuyện 'thường ngày' ở vùng khó

GD&TĐ - Sau khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành, nhiều trường vùng khó không bị tác động...

Tiết ôn tập của thầy trò lớp 12C1, Trường Phổ thông DTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên). Ảnh: NTCC
Tiết ôn tập của thầy trò lớp 12C1, Trường Phổ thông DTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên). Ảnh: NTCC

Trong khi không ít cơ sở giáo dục lúng túng tổ chức hoạt động ôn tập cho học sinh cuối cấp sau khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành, thì nhiều trường vùng khó không bị tác động bởi quy định mới. Lý do, việc dạy tăng cường phục vụ ôn tập cho học sinh cuối cấp từ trước đến nay vẫn được những trường này dạy miễn phí.

Hạnh phúc vì được hỗ trợ học trò

Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) hiện có 219 học sinh lớp 12; trong đó 195 em dân tộc thiểu số, 66 em thuộc hộ nghèo, 12 học sinh khuyết tật và 14 học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Đây cũng là trường có điểm chuẩn vào lớp 10 thuộc tốp thấp nhất tỉnh, có năm thấp nhất cả nước.

Vì vậy, thầy cô trong trường luôn chủ động ôn luyện, phụ đạo cho học sinh yếu kém, dạy ôn cho đội tuyển học sinh giỏi miễn phí. Đội tuyển học sinh giỏi văn hóa còn được nhà trường bố trí phòng ở miễn phí tại khu bán trú nếu có nguyện vọng. Nhà trường cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; học sinh mồ côi cha, mẹ được trường miễn các khoản đóng góp…

Khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29, thầy Đào Văn Phúc - giáo viên nhà trường cho biết, Trường THPT Quan Sơn đã họp phụ huynh, nói rõ chủ trương sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 không thu tiền để các em đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới.

Tất cả phụ huynh nhất trí, sẵn sàng phối hợp trong việc đăng ký, quản lý học sinh tham gia học. 100% thầy cô đăng ký ôn thi miễn phí và trường lựa chọn giáo viên có năng lực, kinh nghiệm để bố trí giảng dạy. Giáo viên được lựa chọn sẽ lập kế hoạch ôn luyện cụ thể, điều chỉnh kế hoạch nếu qua các đợt khảo sát chất lượng kết quả không nâng lên.

Những thầy cô còn lại thực hiện dạy nhóm học sinh chưa đạt (nếu có), hoặc phụ đạo cho học sinh yếu, kém; đồng thời thực hiện kiểm tra, quản lý việc làm bài tập tại nhà của học trò khối 10, 11 và hỗ trợ trực tuyến học sinh học, làm bài tập tại nhà. “Dù miễn phí, nhưng từ trước đến nay, thầy cô đều vui, nhiệt tình khi được hỗ trợ học sinh”, thầy Đào Văn Phúc chia sẻ.

Có 2 điểm trường, cách trung tâm huyện Than Uyên (Lai Châu) từ 30 - 40km, Trường PTDT bán trú THCS xã Khoen On là trường vùng sâu, xa của xã với tỷ lệ cao học sinh thuộc hộ nghèo. Theo thầy Hiệu trưởng Hà Trung Thành, từ trước đến nay, các hoạt động phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn tập cho học sinh lớp 9, nhà trường chưa bao giờ thu tiền học sinh nhưng chất lượng vẫn bảo đảm. Một trong những minh chứng là trường vẫn có học sinh giỏi cấp tỉnh.

“Năm học 2024 - 2025, nhà trường có 107 học sinh lớp 9. Từ tháng 10/2024, hoạt động ôn tập cho các em được tổ chức với 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, mỗi môn 2 tiết/tuần. Tháng 12/2024, sau phân luồng chỉ có học sinh nguyện vọng thi vào lớp 10 tham gia ôn tập. Khi hoàn thành chương trình học (khoảng từ 10 - 15/5), nhà trường có hơn 2 tuần tập trung cao độ cho học sinh thi vào lớp 10 và tất nhiên hoàn toàn miễn phí”, thầy Thành nói.

Chia sẻ điều này, thầy Hà Trung Thành cho biết, thầy cô luôn nhiệt tình, trách nhiệm, thậm chí phải vận động các em để bảo đảm tỷ lệ chuyên cần. Nhiều thầy cô tranh thủ ôn cho học sinh vào buổi tối. Bên cạnh tấm lòng vì học trò, một động lực đối với thầy cô là chế độ động viên, khuyến khích khi dạy học có chất lượng; đơn cử như chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, hoặc nhà trường xem xét tăng lương trước thời hạn với thầy cô có học sinh giỏi, hay tỷ lệ cao học sinh đỗ vào lớp 10 THPT…

Trường PTDT bán trú Tiểu học & THCS Phà Đánh (Kỳ Sơn, Nghệ An) có 14 lớp với 369 học sinh (học sinh lớp 9 là 56 em). 100% học sinh là người Thái và Khơ Mú, 78% thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Các em đều có nhu cầu được dạy tăng cường.

Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Lê Văn Lâm, từ các năm trước và ngay đầu năm học này, nhà trường đã bố trí giáo viên dạy tăng cường, hỗ trợ học sinh miễn phí. Theo đó, bố trí dạy tăng cường 2 môn Toán, Ngữ văn với học sinh lớp 9 để các em có hành trang tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Riêng môn Tiếng Anh trường chưa thực hiện được do thiếu giáo viên.

“Trình độ, năng lực học sinh còn hạn chế nên giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ để tìm ra giải pháp tốt nhất, giúp các em tiếp thu được kiến thức. Cùng đó là khó khăn về tài liệu phục vụ giảng dạy; nhiều phụ huynh chưa tạo điều kiện cho con em học tăng cường, ôn tập thêm; chế độ dạy học tăng cường, ôn tập chưa có… Dù vậy, thầy cô vẫn nhiệt tình, tâm huyết với tinh thần tất cả vì học trò”, thầy Lê Văn Lâm cho hay.

Thông tin từ thầy Lê Xuân Thiều - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Sông Hinh (Phú Yên), từ cuối học kỳ II và trong hè, nhà trường tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém. Riêng ôn tập cho học sinh lớp 9 sẽ được tăng cường từ sau khi hoàn thành kiểm tra học kỳ II đến trước ngày thi; năm nay, thời lượng ôn tập mỗi môn 2 buổi/tuần.

Toàn bộ chương trình giảng dạy, phân công phụ đạo hoàn toàn miễn phí và trên tinh thần tự nguyện của giáo viên. Không chỉ vậy, học sinh yếu thường kèm theo không ham học, nên thầy cô phải tìm cách để động viên các em đến lớp ôn tập. Mặc dù có thầy cô nhà cách xa trường vài chục cây số, nhưng vẫn sẵn sàng tham gia phụ đạo, ôn tập miễn phí cho học sinh.

on-thi-mien-phi-cho-hoc-sinh-cuoi-cap2.jpg
Tiết tự học buổi tối của học sinh Trường THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên). Ảnh: NTCC

Giúp học trò tự học

Tự học buổi tối trên lớp là khung cảnh quen thuộc đối với các trường nội trú và bán trú trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Với phương châm tạo môi trường giáo dục cho học sinh biết tự nhận thức và hành động để hoàn thiện bản thân, Trường THPT huyện Mường Nhé đã chủ động, sáng tạo xây dựng các mô hình học tập, khơi dậy ở học sinh sự nỗ lực, chăm chỉ, cần cù. Trong đó, tự học buổi tối trở thành truyền thống của nhà trường được thực hiện nhiều năm nay và được phát huy thời gian tới, đặc biệt với học sinh cuối cấp.

Thầy Lê Trường Giang - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Mường Nhé cho biết: Tổ chức tự học trên lớp vào buổi tối giúp học sinh sử dụng thời gian hiệu quả, có chất lượng. Các em không chỉ tận dụng thời gian để trau dồi kiến thức, rèn giũa kỹ năng, mà còn có thể duy trì thói quen tốt trong nền nếp học tập. Tự học trở thành nhu cầu, giúp học sinh hình thành tính tự giác, biết tự chủ trong ôn luyện kiến thức cũ cũng như tìm hiểu, khám phá tri thức mới.

Trong không gian sạch đẹp, khang trang của Trường THPT huyện Mường Nhé, cứ vào 19 giờ 45 phút tối, một hồi trống dài vang lên báo hiệu giờ tự học bắt đầu. Đó là “tiếng trống học đêm” được nhà trường duy trì nhiều năm nay. Học sinh từ ký túc xá và nhà trọ quanh trường khẩn trương lên lớp vào giờ tự học.

“Năm học 2024 - 2025, Trường THPT huyện Mường Nhé có 6 lớp 12 với tổng số 262 học sinh. Từ đầu năm, công tác ôn tập cho học sinh cuối cấp được nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch để học sinh sẵn sàng tâm thế và kiến thức cho kỳ thi. Trong đó, tự học buổi tối không chỉ là nền nếp mà dần trở thành hoạt động không thể thiếu, giúp các em có thêm thời gian ôn tập và chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

Những buổi tự học không chỉ là thời gian ôn tập, mà còn như dịp để các em chia sẻ, hỗ trợ nhau trong học tập hiệu quả. Nhà trường cũng phân công giáo viên trực để hỗ trợ các em học bài. Các thầy cô trực hỗ trợ học sinh đều trên cơ sở tự nguyện với mong muốn trò nắm chắc kiến thức.

Những giờ học buổi tối cũng góp phần gắn bó hơn tình cảm thầy trò nhà trường. Hơn hết, việc duy trì giờ tự học buổi tối đã giúp học sinh đạt được những tiến bộ rõ rệt, điều đó thể hiện rõ nét trong kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của nhà trường, 100% học sinh đỗ tốt nghiệp”, thầy Lê Trường Giang chia sẻ.

Duy trì nền nếp tự học buổi tối tại Trường THPT huyện Mường Nhé không chỉ đóng góp tích cực vào quá trình học tập của học sinh, mà còn là giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường và thành tích công tác giáo dục tại địa phương. Những nỗ lực của nhà trường, thầy, cô giáo và sự đồng hành của phụ huynh góp phần tạo nên môi trường học tập an toàn, lành mạnh và hiệu quả, giúp học sinh huyện Mường Nhé ngày càng tiến bộ, tự tin.

Năm học này, Trường THPT Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) có 102 học sinh lớp 12. Theo thầy Nguyễn Đức Thuận - Hiệu trưởng nhà trường, những năm học trước, để chuẩn bị ôn tập cho học sinh cuối cấp, nhà trường cho các em đăng ký học thêm và tổ chức dạy thêm có thu phí.

Năm nay, nắm được tinh thần chỉ đạo của Thông tư 29, nhà trường đã động viên các thầy cô đăng ký và tổ chức tiết dạy thêm miễn phí cho học sinh. Ngoài 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc, học sinh của trường lựa chọn thêm 3 môn Sinh, Sử, Địa để đăng ký dự thi. Với mong muốn giúp học sinh củng cố kiến thức, vững tâm lý trước khi bước vào kỳ thi quan trọng, giáo viên của trường sẽ đăng ký để đứng lớp ôn thi.

on-thi-mien-phi-cho-hoc-sinh-cuoi-cap3.jpg
Một giờ trên lớp của cô trò Trường PTDT bán trú THCS xã Khoen On (Than Uyên, Lai Châu). Ảnh: NTCC

Không để “đứt gãy”

Thầy Nguyễn Mạnh Cường - Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS & THPT Sa Pa (Lào Cai) chia sẻ: “Với đặc thù trường dân tộc nội trú, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc ôn thi cho học sinh sau khi Thông tư 29 có hiệu lực. Bởi lẽ, các hoạt động dạy ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào 10 của nhà trường trong các năm trước đều duy trì dạy học miễn phí cho học sinh”.

Hiện, Trường PTDT nội trú THCS & THPT Sa Pa tổ chức điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho học sinh cuối cấp (lớp 9 và lớp 12) theo đúng hướng dẫn của Thông tư 29 với thời lượng mỗi môn 2 tiết/tuần. Cùng đó, động viên thầy, cô giáo giảng dạy duy trì ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 và ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 cho học sinh lớp 9.

“Để tạo sự đồng thuận trong việc triển khai đúng quy định của Thông tư 29, nhà trường tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng cho thầy cô. Cùng với đó, chờ sự hướng dẫn của các cấp về thực hiện nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động dạy thêm trong nhà trường với quan điểm không được thu tiền học sinh”, thầy Nguyễn Mạnh Cường thông tin.

Qua khảo sát tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, quan điểm của các nhà trường đều thực hiện nghiêm Thông tư 29 và hướng dẫn của sở GD&ĐT về dừng dạy thêm, học thêm đối với học sinh tại trường. Riêng việc ôn tập cho học sinh lớp 9 và 12 được nhà trường đặc biệt quan tâm nhưng triển khai hiện nay gặp nhiều khó khăn do vướng nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên giảng dạy. Bên cạnh đó, các địa phương này hầu hết chưa có trung tâm bồi dưỡng kiến thức nên việc đăng ký học thêm của học sinh tạm thời chưa thể thực hiện.

Trước thực tế này, nhiều nhà trường đã dùng giải pháp tạm thời là vận động thầy, cô dạy tự nguyện, miễn phí cho đến khi học sinh thi chuyển cấp hoặc thi tốt nghiệp. Tại Trường THCS Yên Lạc (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), thầy Phạm Kiều Hưng - Hiệu trưởng chia sẻ: Nhà trường thực hiện nghiêm Thông tư 29 và hướng dẫn của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Theo đó, việc dạy thêm đối với lớp 6, 7, 8 dừng từ ngày 14/2.

Đối với việc ôn tập cho học sinh lớp 9, nhà trường thực hiện theo Thông tư, dạy đủ 2 tiết/môn/tuần. Trước mắt, do nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên không có nên trường vận động giáo viên dạy ôn tập miễn phí cho học sinh.

Bên cạnh vận động giáo viên hướng dẫn ôn tập miễn phí, nhiều nhà trường đã xuất hiện cách làm mới nhằm phát huy tinh thần tự học của học sinh hiệu quả.

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS Hợp Lý (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) có 80 học sinh lớp 9. Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Lê Huy Minh, những năm qua, học sinh nhà trường chủ yếu đăng ký thi vào các trường THPT trên địa bàn huyện, một số ít đăng ký thi Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc hay Trường THPT Tam Đảo 2. Khi Thông tư 29 ban hành, từ ngày 15/1, nhà trường đã dừng việc dạy thêm, học thêm đối học sinh từ lớp 6 đến lớp 9.

Để đảm bảo kiến thức cho học sinh thi chuyển cấp, đối với lớp 9, nhà trường giao thầy cô xây dựng nhóm học tập ở khu dân cư. Mỗi nhóm lựa chọn 2 học sinh có học lực khá và tốt làm nhóm trưởng, nhóm phó để hướng dẫn học tập. Mỗi buổi chiều thầy cô sẽ giao nhiệm vụ khoảng 2 môn, từ đó học sinh tự thảo luận, hoàn thành các nội dung kiến thức thầy cô đã dạy ở buổi học chính khóa.

Do trong thôn có nhiều nhóm học sinh nên các thầy cô sẽ kết hợp với Ban Mặt trận, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn… cùng giám sát, hỗ trợ. Ngoài ra, mỗi tuần, nhà trường có 2 buổi phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong những buổi này, nếu học sinh chưa được thầy cô hỗ trợ tại các nhóm thì có thể đến trường và nhờ hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp.

“Bước đầu nhà trường giữ ổn định mô hình học nhóm để phát huy tính tự học của học sinh. Sau khi học sinh ổn định với mô hình tự học theo nhóm, nhà trường sẽ đánh giá và nghiên cứu, có thể sẽ xây dựng chương trình 1 buổi/tuần tại trường và miễn phí ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, nếu đánh giá mô hình học tập nhóm mà kiến thức của các em đã đạt, nhiệm vụ thầy, cô giáo hoàn thành thì không nhất thiết phải tổ chức thêm 1 buổi tại trường”, thầy Lê Huy Minh cho biết thêm.

Cô Nguyễn Thị Nhung - giáo viên môn Toán, Trường THPT Dào San đã đăng ký dạy thêm miễn phí cho học sinh. Tuy nhiên, với thời lượng 2 tiết/tuần chưa thể đáp ứng được kiến thức mà các em cần cải thiện. “Tôi sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để bổ trợ thêm cho các em. Cùng đó, định hướng cho học sinh phương pháp ôn tập hiệu quả để có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới”, cô Nhung nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ